Đặng Quốc Khánh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
70 năm qua, kể từ ngày thương binh, liệt sỹ đầu tiên đến nay, hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện; số người hưởng chính sách ưu đãi từng bước được mở rộng, đúng đối tượng, đúng chính sách, các nội dung ưu đãi người có công với cách mạng được luật pháp Nhà nước bảo vệ, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống xã hội có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao tặng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh (tháng 7/2017).
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi thể hiện trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công và gia đình chính sách, đồng thời là tiền đề phát huy truyền thống dân tộc, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, phát huy năng lực của các đối tượng chính sách trong hoàn cảnh mới, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Cùng với hệ thống chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kịp thời triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh. Các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, đồ dùng sinh hoạt, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo… được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/UB ngày 5/1/2007 về việc tăng cường sự chỉ đạo công tác thương binh - liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; Chỉ thị số 38/CT-TU ngày 17/3/2014 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… UBND tỉnh ban hành: Quyết định số 2672/QĐ-UBND ngày 5/6/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 29/12/2014 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 28/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”…
Đảng ủy, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh và Ngân hàng Vietcombank thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Trần Thị Đào (88 tuổi, ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh
Đến nay, Hà Tĩnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách 359.000 lượt hồ sơ gồm: Cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động trong kháng chiến, anh hùng LLVT, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, đối tượng hưởng chế độ chất độc hóa học và con đẻ của họ, cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương…, hàng năm thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên trên 46.000 người, trợ cấp một lần, điều dưỡng sức khỏe và các chính sách khác, với tổng kinh phí trên 1.050 tỷ đồng/năm. Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, với 5.158 nhà, tổng kinh phí thực hiện 155,5 tỷ đồng; đã hỗ trợ 4.095 nhà, trong đó: xây mới 2.052 nhà, sửa chữa 2.043 nhà, với tổng kinh phí 122,940 tỷ đồng; số còn lại đang tiếp tục đề nghị Trung ương cấp bổ sung kinh phí để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được xã hội hóa sâu rộng và thực hiện có hiệu quả. Chỉ tính riêng từ năm 2011-2016, huy động quỹ các cấp trên 44,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, nâng cấp sửa chữa 1.967 nhà ở, với kinh phí 50,1 tỷ đồng; tặng 5.063 sổ tiết kiệm; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Điều dưỡng người có công; bình quân hàng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và đối tượng chính sách nhân dịp lễ, tết gần 200.000 lượt đối tượng, với số tiền trên 23 tỷ đồng; tổ chức phong tặng, truy tặng và thực hiện chính sách đối với 1.938 Mẹ Việt Nam anh hùng (82 mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo).
Xây mới, sửa chữa, nâng cấp 84 lượt nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện và nhà bia ghi tên liệt sỹ cấp xã; đến nay, toàn tỉnh có 11 nghĩa trang là nơi an nghỉ của gần 5.000 liệt sỹ và 260 đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sỹ. Từ năm 1999 đến nay, tổ chức quy tập và an táng 1.175 hài cốt liệt sỹ. Hàng năm, vào dịp tết cổ truyền và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, các cấp, ngành đều tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, thắp hương tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho hàng ngàn thân nhân liệt sỹ ngoài tỉnh đến thăm viếng mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn.
Nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống. Đời sống của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình có mức sống cao, cơ bản các đối tượng người có công có đời sống ổn định. Cuối năm 2016, toàn tỉnh có 92% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú; 96% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ. Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cũng như toàn xã hội trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh, được thương binh, bệnh binh, thân nhân, gia đình liệt sỹ, người có công, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
ĐVTN Thành đoàn Hà Tĩnh tổ chức “bữa cơm nghĩa tình” tại gia đình bà Trần Thị Liên, 85 tuổi, là vợ liệt sỹ, hiện đang sống một mình tại tổ dân phố 3, phường Bắc Hà.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác thương binh, liệt sỹ, chính sách đối với người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua vẫn còn những hạn chế. Trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn, sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành vẫn chưa tương xứng với những hy sinh, mất mát, sự đóng góp to lớn của các gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và người có công; việc quản lý và thực hiện chế độ, chính sách có nơi chưa chặt chẽ, quá trình xác lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với một số đối tượng còn chưa kịp thời; vẫn còn rất nhiều người mẹ, người vợ, cha liệt sỹ mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân; chế độ trợ cấp ưu đãi nói chung còn thấp, một số nội dung ưu đãi đã được quy định trong Pháp lệnh nhưng còn thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện, hoặc hướng dẫn thực hiện chưa phù hợp, thống nhất; việc xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chăm sóc, giúp đỡ gia đình người có công chưa đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của người có công.
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ là dịp tri ân, ghi nhớ và tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, những trang vàng chói lọi, lòng dũng cảm, kiên cường, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và những người có công với nước đã cống hiến xương máu của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng ngời và bài học quý giá cho các thế hệ mai sau. Để thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, đề nghị các cấp, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Hai là, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là quán triệt, triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên”.
Ba là, thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo quy định. Đảm bảo người có công với cách mạng được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi xã hội, có đời sống vật chất, tinh thần khá hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Mở rộng, xã hội hóa việc thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, tạo điều kiện cho người có công và gia đình người có công với cách mạng ổn định đời sống, vươn lên trong cuộc sống.
Bốn là, thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Về Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; về quy định chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đến việc giải quyết chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng.
Năm là, tiếp tục giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành; chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó đối với đất nước, nhân dân và dân tộc ta nói chung, với các đối tượng chính sách nói riêng còn rất nặng nề. Những tồn đọng về chính sách cần phải tiếp tục giải quyết sau chiến tranh vẫn còn; tính chất đa dạng và khó khăn hơn đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng; tiếp tục nghiên cứu một cách cụ thể, kịp thời và có những chủ trương, giải pháp thực hiện khoa học nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở; công khai, minh bạch thông tin, kết quả giải quyết các chế độ, chính sách.
Trong những ngày tháng lịch sử này, trong mỗi chúng ta lại vang lên những âm hưởng hào hùng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến và hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
Các cấp, ngành và mỗi chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và bằng cả tấm lòng của mình cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thực hiện tốt hơn lời dặn của Bác “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, quan tâm hơn nữa các chính sách xã hội, đem lại cuộc sống no ấm cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.