Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật thực thi đến đâu?

(Baohatinh.vn) - Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ. Tuy nhiên, do không đủ hiểu biết để vận dụng luật, hoặc là thờ ơ, không quan tâm, đấu tranh cho quyền lợi của mình, nên quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh vẫn bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực...

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật thực thi đến đâu?

Theo luật, người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ, trong đó có quyền được an toàn tính mạng, tài sản, quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ. Trong đó có quyền được an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ, được cung cấp hóa đơn, chứng từ; quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn.

Luật là thế nhưng thực tế, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Các cuộc khảo sát đều cho thấy các cơ chế, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa phát huy hiệu quả. Những câu chuyện lùm xùm kiện tụng giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp thời gian qua cho thấy người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết các quyền lợi cơ bản của mình. Trong khi các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại chưa phát huy được vai trò là tổ chức trung gian hữu ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật thực thi đến đâu?

Người tiêu dùng luôn bị xâm hại quyền lợi bởi hàng hóa "bát nháo" ở các hội chợ thương mại như thế này

Cách đây không lâu, chị P.H.N ở TP Hà Tĩnh tìm mua một sản phẩm sữa xách tay cho con gái, dù đã tìm hiểu khá kỹ thông tin của siêu thị cung cấp, song đến cuối vẫn “ngã ngửa” vì chất lượng sản phẩm nhận được. Chị cho biết: “Mở nắp hộp sữa để cho con uống mình mới phát hiện sản phẩm được đóng gói không giống như sản phẩm chính hãng mà mình tìm hiểu. Thắc mắc với siêu thị thì họ bảo không chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu xem hồ sơ xuất xứ thì người bán từ chối, bảo chủ siêu thị ở Nghệ An nên không có giấy tờ tại siêu thị. Tôi đành báo với cơ quan quản lý thị trường”.

Mặc dù sau đó Cục Quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra số hàng hóa tại siêu thị này, song thông tin mà chị P.H.N được phản hồi lại về sản phẩm mà mình đã mua vẫn là “số không”. Không giải thích, không được cung cấp các hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm và cũng không bồi thường thiệt hại. “Thời điểm đó, siêu thị chỉ nhận lại hộp sữa mà mình đã mua. Cơ quan quản lý thị trường cũng lập biên bản xử phạt nhưng quyền lợi của tôi vẫn không được giải quyết. Nếu muốn được đền bù, tôi buộc phải làm các thủ tục hết sức phức tạp nên tôi cũng tặc lưỡi bỏ qua” - chị P.H.N cho biết thêm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã trao cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhiều quyền hạn, thậm chí cả quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện. Tuy nhiên, vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay khá mờ nhạt.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật thực thi đến đâu?

Trong khi Công ty Du lịch Văn Minh cung cấp dịch vụ vận tải khá chất lượng trên địa bàn...

Tại Hà Tĩnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng tại Sở Công thương nhưng được mấy người dân biết trụ sở của hội. Hơn nữa, hội cũng chỉ mở cửa vào thứ 3 và thứ 6 trong tuần nên người tiêu dùng muốn đến tìm sự giúp đỡ có khi cũng phải 5 lần 7 lượt mới tiếp cận được cán bộ. Do những trắc trở và rườm rà như vậy trong thủ tục khiếu nại, khiếu kiện nên hầu hết người tiêu dùng Hà Tĩnh đều lựa chọn tự giải quyết hoặc chấp nhận bị xâm phạm.

Cũng là câu chuyện quyền lợi của người tiêu dùng, vài ngày lại đây, mạng xã hội Hà Tĩnh đang “nóng” lên bởi câu chuyện của một người sử dụng dịch vụ vận tải bị xâm phạm. Trong quá trình sử dụng dịch vụ vận tải từ TP Hà Tĩnh về Kỳ Anh, một người phụ nữ phát hiện nhà xe có biểu hiện lạng lách, chửi bới hành khách, nên đã xuống xe giữa hành trình và chụp lại ảnh biển số xe với ý định trình báo lên cơ quan công an. Thế nhưng, ngay lập tức, cô bị tài xế và phụ xe nhảy xuống hành hung.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật thực thi đến đâu?

...thì vẫn còn tồn tại những kiểu "dằn mặt" khách hàng như lái và phụ xe "buýt" 38B- 011.16

Sau khi đoạn clip hành hung hành khách được đẩy lên mạng xã hội, một ngày sau chiếc xe này bị tạm giữ tại cơ quan công an. Tuy nhiên, điều khiến xã hội quan tâm là tại sao một chiếc xe có thể sơn màu, trang trí “nhái” và đóng số tuyến theo hình thức của xe buýt chính hãng lại có thể lưu thông cho đến bây giờ? Người tiêu dùng dẫu có thông thái đến bao nhiêu liệu có “né” được kiểu cung cấp dịch vụ “dởm” này? Và tại sao, người sử dụng dịch vụ lại vẫn nhắm mắt cho qua trong suốt thời gian qua?

Vẫn biết, “lõi” của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn là dựa trên mối quan hệ trực tiếp giữa người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng phải chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng sự hiểu biết luật pháp. Song, rõ ràng, nếu thiếu đi sự nghiêm túc của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như hoạt động mờ nhạt của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì pháp luật cũng không thể phát huy tác dụng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast