Sáng 28/12, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Theo đó, trong năm 2018, Hội đã tiếp nhận hơn 120 vụ khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Dưới sự tư vấn, hướng dẫn của hội, đã giúp người tiêu dùng hòa giải thành công gần 90 vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Bán hàng đa cấp, bảo hành hàng hóa sau bán hàng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không đảm bảo khối lượng in trên bao bì, sai số đồng hồ điện sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, lừa đảo cho vay nặng lãi, bán hàng đa cấp biến tướng…
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trần Đình Hồng: Người tiêu dùng là "kẻ yếu" trên thị trường nhưng nếu biết liên kết sẽ tạo thành tổ chức mạnh.
Năm 2018, tình hình thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ việc gian lận thương mại, kinh doanh hàng kém chất lượng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và vào các dịp Tết, lễ hội. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 2.440 vụ việc được kiểm tra, xử lý (trong đó có 35 vụ kinh doanh hàng cấm, hàng lậu; 48 vụ vi phạm hàng giả; 1.235 vụ vi phạm lĩnh vực giá; 664 vụ vi phạm ATVSTP…) Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính hơn 2,6 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 5 đơn vị vi phạm.
Hàng hóa trên thị trường Hà Tĩnh vi phạm các quy định bị cơ cơ chức năng thu giữ, tiêu hủy.
Năm 2019, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, hướng tới các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tiếp tục thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, phối hợp giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ; tham gia kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực quản lý thị trường, ATVSTP…; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.