Có nên đưa thịt heo vào diện bình ổn giá?

Trước đề nghị đưa thịt heo vào diện bình ổn giá, vẫn còn không ít những ý kiến chưa đồng thuận.

Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương), Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) vừa đề nghị đưa thịt heo vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá 2012 để có cơ chế điều chỉnh giá, ổn định thị trường. Vấn đề này đang có nhiều ý kiến chưa đồng thuận.

Nhiều người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo ở TP.HCM và Đồng Nai chưa đồng thuận quan điểm đưa thịt heo vào diện bình ổn giá, bởi giá heo tăng ở mức cao như thời gian vừa qua là phản ánh đúng quy luật cung cầu của thị trường.

Có nên đưa thịt heo vào diện bình ổn giá?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa thịt heo vào diện bình ổn giá là chưa phù hợp.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình cho rằng, để ổn định lại giá heo thì ngành chức năng nên giảm thuế nhập khẩu và doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu thịt heo. Thị trường sẽ quyết định giá cả thịt heo, nguồn cung thiếu thì giá tăng cao và ngược lại. Vì vậy, ông Phạm Đức Bình cho rằng, đưa thịt heo vào danh sách mặt hàng bình ổn giá là không hợp lý.

“Việc đưa thịt heo vào diện bình ổn giá theo tôi thì không nên. Bởi bình ổn giá thì lấy cái gì bình ổn?! Vì giá heo tăng cao không phải do tư thương hay ai làm giá mà do ảnh hưởng dịch bệnh tả heo Châu Phi khiến việc tái đàn khó khăn. Chúng ta nên tuyên truyền người tiêu dùng chuyển đổi dùng thực phẩm khác”, ông Bình nói.

Cùng quan điểm với ông Bình, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng nên để giá thịt heo vận hành theo cơ chế thị trường. Vấn đề mấu chốt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên hỗ trợ người dân chăn nuôi hiệu quả hơn, tái đàn tốt, nhất là cung cấp kịp thời chính xác thông tin tổng đàn heo trong nước, giá heo thế giới và diễn biến dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động tăng hay giảm đàn hợp lý.

Còn Bộ Công Thương làm tốt việc kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông ra thị trường. Các cơ quan chức năng chỉ nên can thiệp thị trường khi có dấu hiệu độc quyền, làm giá của những công ty chiếm thị phần hơn 30% hay hiệp hội chăn nuôi liên kết nhiều người chăn nuôi có tổng đàn heo chiếm hơn 30% để đầu cơ, găm hàng, lũng đoạn thị trường. Còn người chăn nuôi có đẩy giá thành cao cũng khó bởi người tiêu dùng có sự lựa chọn thực phẩm thay thế khác. Giá heo không phải như giá điện, vì giá điện cao, người tiêu dùng cũng không có sự lựa chọn khác.

“Người nông dân lúc lỗ treo chuồng thì có ai bù lỗ cho họ không? Người chăn nuôi có đầu vào giá cao thì giá thành cao, bán giá cao. Giá cao thì người tiêu dùng có quyền không mua. Người chăn nuôi đâu có quyền bắt người tiêu dùng mua với giá cao. Kinh tế thị trường là sự cạnh tranh. Nhà nước chỉ có trách nhiệm chống độc quyền. Vì vậy cơ quan chức năng phải chỉ ra được việc độc quyền đó và xử lý”, TS Đinh Thế Hiển nêu rõ.

Nhiều chuyên gia phân tích rằng, việc đưa thịt heo vào danh sách hàng bình ổn giá thì cơ quan chức năng phải nắm được số lượng heo trong các công ty lớn, trong dân. Đồng thời phải minh bạch được giá từ chuồng trại đến người tiêu dùng, từ đó mới giải quyết được bài toán cung cầu.

Trong khi hiện nay, chúng ta khó biết giá con heo sau khi xuất chuồng hoặc rời cổng các công ty thì sau đó là giá bao nhiêu, qua bao nhiêu khâu, chi phí nào… rồi mới đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đưa thịt heo vào danh sách bình ổn giá là chưa hợp lý vì lượng heo đang thiếu. Đây đang là chu kỳ thiếu hụt lượng heo thịt do khoảng 10 tháng trước vì dịch tả heo Châu Phi gây ra; còn lượng heo nhập khẩu đầu tháng 4 chưa đủ bù đắp mức thiếu hụt của thị trường.

“Việc bình ổn giá khi chúng ta có đủ hàng hóa mà đẩy giá cao thì bình ổn là hợp lý để giảm chỉ số CPI xuống. Hiện nay, lượng heo chưa đủ đáp ứng thị trường thì làm sao chúng đưa thịt heo vào hàng bình ổn được!?”, ông Đoán nói.

Việc đề xuất đưa giá thịt heo vào danh sách hàng bình ổn giá để kiểm soát giá, khó có thể là biện pháp để ổn định giá heo vì chúng ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, và chính thị trường mới là nơi điều tiết giả cả. Cho nên, điều quan trọng về lâu dài cần giải quyết bài toán cung cầu, ổn định trong chăn nuôi, khi cung cầu gặp nhau thì ắt giá cả sẽ ổn định./.

Theo VOV

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast