Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

(Baohatinh.vn) - Mặt bằng lãi gửi tiết kiệm của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Tĩnh hiện dao động ở mức thấp nhất, khoảng 3,7%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và 6,6%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.

Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

Từ 1/7, lãi suất huy động các chi nhánh ngân hàng tại Hà Tĩnh đã điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn.

Theo các chuyên gia của ngành ngân hàng, đây được xem là đợt giảm lãi suất huy động “sâu” nhất kể từ nhiều năm lại nay. Từ ngày 1/7, đồng loạt các chi nhánh ngân hàng tại Hà Tĩnh đều điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 0,2% - 0,8%/năm; từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,25% - 4,75%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,75% - 7%/năm và 6,6% - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất có kỳ hạn hiện đang “áp” mức thấp nhất của các ngân hàng tại Hà Tĩnh là 3,7%/năm (dành cho khách hàng gửi tiền từ 1 - 2 tháng).

Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

HD Bank Hà Tĩnh đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn giảm 0,5%/năm so với trước.

Ông Nguyễn Xuân Lịch - Phó Giám đốc Chi nhánh HD Bank Hà Tĩnh cho biết: “Việc điều chỉnh lãi suất huy động theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo ra dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”.

Theo đó, lãi suất tiền gửi được giảm 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 7,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng với khách hàng gắn bó lâu dài.

Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

SHB Hà Tĩnh vẫn sẽ áp lãi suất cao của các khung kỳ hạn tiền gửi, nhằm tăng lợi ích cho khách hàng.

Nằm trong diễn biến chung, SHB Hà Tĩnh cũng đã áp dụng bảng lãi suất mới với động thái điều chỉnh giảm đều ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 3,9%/năm; kể cả những khung lãi cao (trên 12 tháng) cũng chỉ áp dụng ở mức 7,3%/năm, thấp hơn thời điểm lãi suất tiền gửi cao nhất cùng kỳ hạn 0,9%/năm.

Bà Nguyễn Thị Thương - Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng SHB Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, mức tăng trưởng bình quân khoảng gần 10 tỷ đồng/tháng, trong khi cùng kỳ năm 2019 ở mức 20 - 30 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn áp dụng các chính sách ưu đãi nhất để tăng cao lợi ích cho khách hàng”.

Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

Nếu lựa chọn khung trung và dài hạn, người dân vẫn có thể “kiếm lời” từ tiền gửi tiết kiệm.

Trên thực tế, mặc dù lãi suất chiều hướng giảm nhưng khung giảm “chạm đáy” lại tập trung vào tiền gửi không kỳ hạn và dưới 6 tháng. Bởi thế, nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi, gửi tiết kiệm thời hạn dài thì vẫn có thể sinh lời. Nhất là đối với những ngân hàng có ưu thế về huy động tiết kiệm, được người người dân lựa chọn như: SHB, HD, Bắc Á, Liên Việt...

Bà Nguyễn Thị Châu - phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cho biết: “Sau dịch Covid-19, chúng tôi vẫn khá ngần ngại đầu tư kinh doanh lớn, trong khi các kênh đầu tư như vàng, nhà đất vẫn tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, tôi vẫn lựa chọn gửi tiền tại ngân hàng. Nếu chọn kỳ hạn từ 13 tháng trở lên thì khách hàng vẫn được nhiều ưu đãi, quà tặng lãi suất từ các ngân hàng”.

Lãi suất huy động ngân hàng Hà Tĩnh giảm, ai sẽ là người có lợi?

Giá vàng đang “leo đỉnh”, nhưng nó không có tác động nhiều đến đầu tư ở địa bàn nhỏ lẻ như Hà Tĩnh.

Còn anh Trần Cao Cường - thị trấn Thạch Hà nhận định: Giá vàng đạt “đỉnh”, thế nhưng các nhà đầu tư ở Hà Tĩnh vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ nên khó tạo “sóng lớn”, còn người dân thì càng không dùng tiền để mua vàng tích trữ trong giai đoạn này.

Đó là lý do mà nguồn huy động tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn tăng, kể cả HD Bank hay SHB Hà Tĩnh. Đến hết tháng 7/2020, huy động vốn toàn địa bàn ước đạt khoảng 63.354 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 11,85% so thời điểm 1/1/2020. Nguồn vốn tiết kiệm dân cư tăng 9,64%, nguồn vốn huy động từ nguồn tiền gửi tổ chức kinh tế tăng mạnh (tăng 19,16%).

Trong khi đó, đợt giảm lãi suất tiền gửi lần này sẽ dồn nhu cầu của khách hàng về nguồn huy động trung và dài hạn, kênh vốn lâu nay được các ngân hàng tích cực “kích” tăng trưởng. Điều này giúp các nhà băng thanh khoản tốt hơn, chủ động nguồn vốn để quay trở lại cho vay các dự án, phương án có hiệu quả tại địa bàn, tăng thu lợi nhuận.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast