Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu sử dụng máy tính học và làm việc trực tuyến tại nhà tăng cao. Vì thế, máy tính xách tay đang là mặt hàng được nhiều người dân Hà Tĩnh “đầu tư” hiện nay.

Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

Nhu cầu sử dụng máy tính để học trực tuyến và làm việc online tăng cao...

Chị Phan Thị Hiền Hòa (xã Cổ Đạm - Nghi Xuân) chia sẻ: “Tôi là giáo viên cấp 2. Hai đứa con đang học lớp 7 và đại học từ khi nghỉ học ở trường tới nay đều phải học trực tuyến.

Trước đây, nhà chỉ cần một cái máy tính là đủ vì nhu cầu sử dụng không nhiều, nhưng nay con học cũng cần máy tính, mẹ dạy cũng cần máy tính, nhiều hôm còn bị trùng thời gian nên rất bất tiện. Khoảng 2 tuần trước, tôi đã phải mua thêm cái laptop mới hơn 10 triệu đồng để việc học và dạy thuận tiện hơn".

Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

...khiến thị trường máy tính xách tay trở nên nhộn nhịp hơn.

Trong khi đó, chị Trần Thị Oanh (xã Thạch Trung – TP Hà Tĩnh) lại phải nhường máy tính làm việc hàng ngày của mình cho con học trực tuyến và bắt đầu công việc của mình vào đêm khuya.

“Dù cần sử dụng nhưng mình vẫn phải ưu tiên cho việc học tập của con. Mà con dùng thì thôi mẹ, nên gần tháng nay, tôi chủ yếu phải làm việc sau khi con đi ngủ. Nếu tới đây, dịch bệnh chưa được khống chế, các con vẫn nghỉ học và học trực tuyến dài ngày, chắc tôi sẽ mua thêm cái máy tầm 5 -7 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở giai đoạn này” – chị Oanh cho hay.

Nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nên thị trường máy tính những ngày này trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. Doanh thu của các siêu thị, cửa hàng điện máy cũng chủ yếu tập trung vào mặt hàng này.

Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

Nhiều mẫu máy tính xách tay được trưng bày để khách hàng có sự lựa chọn phù hợp

Khảo sát các cửa hàng điện máy tại TP Hà Tĩnh như siêu thị Điện máy Xanh, FPT Shop, Trung tâm mua sắm Hồng Hà,… vào chiều 27/3, khu vực trưng bày laptop là nơi có lượng khách xem và mua hàng đông hơn cả. Theo các chủ cửa hàng, siêu thị điện máy, lượng khách hàng tới mua laptop đã tăng lên khoảng 1 tháng nay.

Chị Trần Thị Yến Phượng – quản lý cửa hàng FPT Shop trên đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đợt này, laptop là mặt hàng bán chạy nhất, trung bình 3-4 máy/ngày. Trong khi trước đây, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán 1-2 cái. Khách hàng đa số là phụ huynh mua máy cho con học trực tuyến”.

Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

Lượng khách đến mua laptop tại các cửa hàng tăng mạnh so với những ngày trước dịch.

Một nhân viên siêu thị Điện máy Xanh (TP Hà Tĩnh) cho biết, trong những ngày qua, số lượng laptop bán ra có tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với trước đây. Hiện một số dòng máy còn rơi vào tình trạng “cháy” hàng.

Theo các nhà kinh doanh, các mẫu laptop của hãng Dell, Acer, HP, Lenovo… với mức giá từ 10-15 triệu đồng được khách hàng lựa chọn nhiều nhất. Để phục vụ khách hàng trong mùa dịch, các cửa hàng, trung tâm điện máy đã tăng cường các chương trình hỗ trợ như cài đặt, giao hàng miễn phí đến nhà rồi mới thanh toán, các chính sách trả góp, ưu đãi giảm giá, tặng kèm phụ kiện…

Laptop bán chạy trước nhu cầu học trực tuyến “né” dịch ở Hà Tĩnh

Các dòng máy tính tầm trung có giá tiền khoảng hơn 10 triệu đồng được nhiều người lựa chọn.

Anh Lê Đình Tuyên – quản lý Trung tâm mua sắm Hồng Hà (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết, lượng khách hàng mua laptop bắt đầu tăng mạnh từ khoảng đầu tháng 3. Số lượng máy tính bán ra dịp này trung bình khoảng 30 máy/ngày, tăng gấp đôi so với ngày thường.

“Một số khách hàng quen và am hiểu về máy tính thì đặt hàng online, còn đa số khách đến cửa hàng để xem và chọn loại máy có cấu hình, kích cỡ phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khách hàng đợt này chủ yếu là phụ huynh, học sinh, sinh viên, giáo viên và phân khúc laptop chúng tôi bán nhiều là máy tầm trung, giá khoảng 10-15 triệu đồng” – anh Tuyên nói thêm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast