Được biết, kinh phí mua vắc-xin lở mồm long móng trên trâu, bò do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phải trải qua quá trình đấu thầu nên thời gian phân bổ, tổ chức tiêm phòng bổ sung muộn hơn so với kế hoạch. Đến thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cung ứng hơn 30.000 liều vắc-xin lở mồm long móng và 20.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trên trâu, bò để các địa phương triển khai việc tiêm phòng ở cơ sở.
Huyện Lộc Hà tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên trâu, bò.
Theo thông tin từ ngành chuyên môn, công tác tiêm phòng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như: thời tiết nắng nóng, người dân đang tập trung cho sản xuất vụ hè thu nên việc tổ chức tiêm phòng diện rộng gặp khó khăn, lực lượng thú y cơ sở hạn chế…
Trước thực tế đó, Sở NN&PTNT đã có văn bản đôn đốc công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, các UBND huyện, thị trấn, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường tiếp tục rà soát, tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng; trong đó, tập trung thực hiện tiêm phòng các mũi vắc-xin như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; cúm gia cầm và dại chó. Đồng thời, bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, giám sát tại cấp cơ sở để kịp thời hướng dẫn, bổ cứu các nội dung liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật tiêm phòng.
Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm... đang xảy ra trên nhiều địa phương trên cả nước. Tại tỉnh Hà Tĩnh, tổng đàn vật nuôi lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỉ lệ cao nên nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân. Vì vậy, cần tập trung thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin để phòng, chống dịch bệnh. |