Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 3 năm chuyển từ hình thức miễn phí sang xã hội hóa, việc sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy máu gót chân ở Hà Tĩnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là do tuyên truyền chưa sâu rộng dẫn đến nhận thức của người dân còn thấp.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận gia đình cũng là giải pháp để Cẩm Xuyên thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch về sàng lọc sơ sinh.

Xét nghiệm lấy máu gót chân có vai trò hết sức quan trọng giúp phát hiện và chữa trị kịp thời một số bệnh lý về rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh của trẻ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Chính vì thế, từ năm 2009, Hà Tĩnh bắt đầu triển khai đề án sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy mẫu máu gót chân ở trẻ trong vòng 24 - 48 giờ đầu sau sinh.

Điều này giúp phát hiện 2 bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh là: thiếu máu tán huyết; vàng da và bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Đây là những bệnh lý mà trẻ có thể mắc phải trong thời gian đầu đời, nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ, để lại hậu quả nghiêm trọng về sau.

Sau nhiều năm thực hiện miễn phí, đến năm 2020, Hà Tĩnh bắt đầu triển khai mô hình xã hội hóa hoạt động này. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, hoạt động vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Dù đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động nhưng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân mới chỉ triển khai được 10 ca lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh trên địa bàn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là những khó khăn trong công tác tuyên truyền thực hiện xã hội hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh

Đội ngũ y bác sỹ ở Trung tâm Y tế Nghi Xuân tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc sơ sinh cho các sản phụ.

Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Nam Viên (xã Xuân Viên) cho biết: “Khi đưa con đến sinh ở bệnh viện, gia đình cũng đã được các y bác sỹ tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sàng lọc sơ sinh lấy máu gót chân cho cháu nhưng hoàn cảnh khó khăn, trong khi kinh phí thực hiện khá cao (mức thấp nhất 500 ngàn đồng cho gói sàng lọc 5 bệnh, mức cao nhất 2,1 triệu đồng cho gói 73 bệnh) nên chúng tôi đành chịu”.

Khó khăn ở Nghi Xuân không chỉ bắt nguồn từ hoàn cảnh khó khăn mà một phần còn là do dặc thù của địa phương ở gần các bệnh viên tuyến trên như: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị và các bệnh viện tư nhân nên hầu hết những gia đình có điều kiện hơn đều vượt tuyến hoặc lựa chọn các dịch vụ tự nguyện ở Vinh.

Vì thế, số trẻ sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện rất ít. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có khoảng 700 trẻ được sinh ra nhưng chỉ có 160 ca sinh tại bệnh viện huyện. Và trong số đó, chỉ có 10 ca thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy mẫu máu gót chân/chỉ tiêu tỉnh giao 200 ca.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh.

Bà Phạm Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Nghi Xuân chia sẻ: “Từ năm 2020, việc xã hội hóa xét nghiệm sàng lọc sơ sinh được thực hiện. Tuy nhiên, các hoạt động của chương trình thiếu sự liên tục, ảnh hưởng đến tâm lý, sự tham gia của khách hàng và đội ngũ cán bộ y tế. Kinh phí cho công tác tập huấn quá ít phụ thuộc vào số buổi tập huấn của tỉnh, trong khi huyện không có kinh phí để tổ chức nên việc đào tạo về kỹ năng truyền thông, tư vấn cho cán bộ y tế, huyện, xã và cộng tác viên chưa thường xuyên...”.

Tại Can Lộc, từ đầu năm đến nay, có 220 trẻ được sinh ra ở bệnh viện huyện nhưng chưa có ca nào thực hiện lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh.

Ông Nguyễn Viết Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Can Lộc cho biết: “Việc triển khai thực hiện sàng lọc trẻ sơ sinh trên địa bàn đến nay chưa thực hiện được bởi nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, trong việc ký kết hợp đồng với trung tâm sàng lọc trẻ sơ sinh… Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh xúc tiến các hoạt động liên kết và tiếp tục công tác tuyên truyền làm thay đổi suy nghĩ của người dân về vấn đề này”.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa sàng lọc sơ sinh ở Hà Tĩnh

Đội ngũ cán bộ y tế Can Lộc sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về vấn đề sàng lọc sơ sinh.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh với 4.323 ca/chỉ tiêu kế hoạch 7.000 ca (đạt 61,8% kế hoạch năm). Số ca thực hiện chủ yếu tập trung ở một số đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 3.293 ca; Cẩm Xuyên 134 ca; thị xã Kỳ Anh 108 ca; Thạch Hà 90 ca; Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh 86 ca...

Theo nhận định của đội ngũ làm công tác chuyên môn, dự kiến đến cuối năm, chỉ tiêu 7.000 ca sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy mẫu máu gót chân ở Hà Tĩnh sẽ đạt được. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là việc thực hiện chương trình chưa tạo được sự đồng đều, chưa được sự đón nhận của người dân các địa bàn trên toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, một số địa phương như Hương Khê thực hiện được 6 ca, Hương Sơn 18 ca, Đức Thọ 39 ca; đặc biệt các huyện: Lộc Hà, Can Lộc, Vũ Quang chưa triển khai thực hiện.

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa sàng lọc sơ sinh, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở Hà Tĩnh, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sàng lọc. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn truyền thông, tư vấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ chuyên trách dân số, y tế về sàng lọc trước sinh và sơ sinh...

Ông Nguyễn Trung Kiên
Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Chi cục DS/KHHGĐ Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast