“Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng 4 nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, một trong những nguyên tắc rường cột, cơ bản, có tính quyết định thành bại của cách mạng là “Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân”.

Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh là sự kế thừa và nâng cao tư tưởng chính trị truyền thống của dân tộc: “Nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đồng thời đó là sự tiếp thu sâu sắc trong nhận thức, tình cảm và hành động theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

“Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Hồ Chí Minh coi đoàn kết là một chiến lược, nhân tố cơ bản và là nhiệm vụ hàng đầu của đảng cách mạng. Từ khi truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin về nước đến cuối đời, mọi suy nghĩ, hành động của Người xoay quanh những vấn đề cơ bản liên quan đến Nhân dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân trí nâng cao, dân chủ thực hành; quan hệ của Nhân dân đối với hệ thống chính trị, chế độ chính trị, sự nghiệp chính trị... Chính Nhân dân là cơ sở, động lực, đồng thời cung cấp phương hướng để giải quyết những vấn đề mà cách mạng đang đặt ra.

Theo Bác, điều đầu tiên khi xây dựng lực lượng đại đoàn kết dân tộc là phải: Tin vào dân, dựa vào dân. Hồ Chí Minh cho rằng dân là gốc rễ, là nền tảng của khối đại đoàn kết. Do đó khi trở thành người lãnh đạo, Bác đặt niềm tin tuyệt đối vào Nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Người vẫn một lòng tin tưởng vào Nhân dân. Người tin rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được” và Người thường động viên, nhắc nhở “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ” (1).

“Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương năm 1958. Ảnh: Tư liệu

Với kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, Bác nhận thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(2). Bác nói: Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đặc biệt, Bác luôn nhắc lại câu ca dao của bà con Quảng Bình khi nói đến vai trò của nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Thứ hai, để đạt mục tiêu của đại đoàn kết thì nắm vững nguyên tắc: Phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân. Trước khi cách mạng thành công, điều Bác luôn trăn trở, băn khoăn là làm thế nào để đưa dân lên địa vị làm chủ chế độ chính trị? Làm thế nào để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân?... Hồ Chí Minh không nhìn lên trời để tìm cách thức từ những đấng siêu nhiên, không nhìn vào kinh đô tráng lệ để trông cậy vương quyền, không ỷ vào lực lượng bên ngoài nước để cầu mong cứu viện... mà Người nhìn vào đời sống, mong ước của Nhân dân để tìm phương thức giải quyết vấn đề do chính Nhân dân đặt ra, phương thức đó chính là tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân.

Mặt trận phản đế ra đời ngày 18/11/1930, Hiến pháp năm 1946 ra đời ngay khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... đã minh chứng cho quan điểm phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân của Bác.

Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề quan trọng là hạnh phúc tự do của Nhân dân. Với nhận thức đó, đi đôi với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

“Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh tư liệu của TTXVN

Có thể thấy, quan điểm tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân không chỉ là động lực hình thành mà còn là điều kiện, nguyên tắc đảm bảo cho tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh đúng đắn, đi vào thực tiễn, khẳng định trong thực tiễn. Đây được xem là nguyên tắc tối cao trong tư duy và hoạt động thực tiễn của Người. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã chứng minh trên thực tế nguyên tắc tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Trong điều kiện ngày nay, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng, đủ tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác của mình. Luôn xác định mình là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân nên phải hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cơ sở, từ đó mới tổ chức họ, hướng dẫn họ, đoàn kết họ, phát huy năng lực sáng tạo của họ, huy động đức, tài của họ vào xây dựng đường lối, chính sách, bảo vệ và xây dựng đất nước.

(1) Sđd t.5, tr.286.

(2) Sđd, t.5, tr.333.

Trường Chính trị Trần Phú

Chủ đề ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.