Tình giả hóa thật của nữ điệp viên Liên Xô

Để tạo vỏ bọc tình báo, Africa de las Heras chấp nhận cưới một người lạ, nhưng họ dần nảy sinh tìm cảm và có hôn nhân hạnh phúc.

Africa de las Heras, người Tây Ban Nha gốc Morocco, là một trong những điệp viên lừng danh nhất trong lịch sử Liên Xô. Trong hơn 45 năm thực hiện nhiệm vụ tình báo đầy rủi ro trên khắp thế giới, bà đã chấp nhận hy sinh rất nhiều lợi ích cá nhân, thậm chí kết hôn với người lạ.

Africa de las Heras trong thời gian hoạt động ở Nam Mỹ. Ảnh: RBTH.

Bà sinh ngày 26/4/1909 tại Ceuta, thành phố tự trị thuộc Tây Ban Nha ở phía bắc châu Phi. Ở tuổi 28, Africa de las Heras tham gia đấu tranh chính trị và quân sự, tổ chức cuộc bạo động vũ trang và chiến đấu với phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Năm 1937, Africa được điệp viên Liên Xô Aleksandr Orlov tuyển mộ vào ngành tình báo. Bà lấy bí danh Patria và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là chuyển một khoản tiền lớn từ Paris đến Berlin.

Africa đóng giả là một du khách mang hộ chiếu giả của Canada để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, bà không thể đi tàu qua biên giới vì hộ chiếu giả có sai sót. Dù không bị bắt, bà phải lựa chọn giữa hai phương án: hủy nhiệm vụ nhiều rủi ro hoặc bất chấp tất cả để chuyển tiền.

Bà chọn phương án sau và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Orlov, cấp trên của bà, đào tẩu sang Mỹ sau đó một năm, khiến tình báo Liên Xô lo ngại nguy cơ bà bị lộ, nên quyết định triệu Africa về nước. Tình báo Liên Xô sau đó cử Africa tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, bà nhanh chóng làm chủ kỹ thuật vô tuyến và các kỹ năng khác của một điệp viên.

Một học trò sau này của Africa kể rằng, bà không muốn sống trong những khách sạn đắt tiền. “Tôi tới đây để chiến đấu, không phải đi an dưỡng”, bà từng tuyên bố.

Khi Thế chiến II nổ ra, Africa xem đó là cơ hội để ra tiền tuyến. “Tôi đã phải kiềm chế để không nhảy cẫng lên và hò hét vì sung sướng. Tôi sẽ ra tiền tuyến và thấy mình là người hạnh phúc nhất thế giới”, Africa nói.

Ở Mặt trận phía Đông, Africa, người đã nhập tịch Liên Xô, phụ trách liên lạc vô tuyến cho một lực lượng biệt phái. “Tôi trịnh trọng thề rằng tôi sẽ không đầu hàng kẻ thù nếu còn sống và sẽ cho nổ máy phát, máy mật mã bằng lựu đạn trước khi chết”, bà nói.

Africa phải chịu đựng nhiều khó khăn, căng thẳng thường trực nơi tiền tuyến như tất cả thành viên biệt đội, nhất là mùa đông lạnh buốt khắc nghiệt của nước Nga.

“Một ngày nọ, chỉ huy biệt đội nhìn thấy cô gái nhỏ gốc Tây Ban Nha run rẩy hơ tay sưởi ấm trên ngọn lửa, nhưng những ngón tay cứng ngắc không ấm lên được. Người chỉ huy lập tức cởi chiếc áo len của mình và choàng cho bà”, học trò của Africa kể lại.

Sau Thế chiến II, Africa trở thành điệp viên ngầm của Liên Xô trong bối cảnh Moskva mở rộng mạng lưới tình báo ở nhiều nước phương Tây thời Chiến tranh Lạnh. Việc này đòi hỏi những hy sinh lớn lao, khi bà phải cắt mọi quan hệ với bạn bè và người thân, kể cả chị gái đang định cư ở châu Âu.

Năm 1948, bà được cử đến Nam Mỹ để xây dựng một mạng lưới đặc tình, dưới vỏ bọc là chủ một cửa hàng đồ cổ ở Uruguay trong suốt 20 năm sau đó.

Điệp viên Africa sau khi trở về Liên Xô. Ảnh: RBTH .

Trong Thế chiến II, Africa đã mất đi hôn phu là một sĩ quan Belarus. Để củng cố vỏ bọc của bà trong quá trình hoạt động, tình báo Liên Xô cho rằng Africa cần một đồng đội hỗ trợ dưới danh nghĩa người chồng. Năm 1956, sĩ quan tình báo Liên Xô gốc Italy Giovanni Antonio Bertoni được cử đến Uruguay để “làm chồng” của Africa.

“Không chút do dự, bà ấy chấp nhận đề xuất của cấp trên và kết hôn với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Africa và Bertoni nên duyên vợ chồng theo lệnh của Moskva để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ tình báo quan trọng được giao, nhưng cuộc hôn nhân của họ cuối cùng lại hạnh phúc vì hai người dần nảy sinh tình cảm”, nhà sử học Vladimir Antonov viết trong cuốn sách về tình báo Liên Xô.

Bertoni không chỉ là “chồng hờ” mà còn là một người bạn hỗ trợ đắc lực cho Africa. Là một người hiểu biết rộng về nghệ thuật, đồng thời là một họa sĩ, Africa dễ dàng kết bạn với các quý bà trong tầng lớp thượng lưu ở Mỹ Latinh.

Thông qua những phu nhân này, Africa và Bertoni tiếp cận với những người chồng giữ chức vụ cao của họ và thu được nhiều thông tin giá trị. Cuộc hôn nhân giúp họ củng cố vỏ bọc ở Uruguay, thiết lập một trạm liên lạc hai chiều và một nhà an toàn đáng tin cậy cho điệp viên Liên Xô hoạt động ở khu vực. Tình báo Liên Xô đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của cặp “vợ chồng hờ” này.

Khi Bertoni qua đời năm 1964, Africa vẫn ở lại Nam Mỹ hoạt động thêm ba năm, trước khi về Moskva để giảng dạy kỹ thuật điệp báo cho thế hệ sĩ quan tình báo Liên Xô tiếp theo.

“Tổ quốc của tôi là Liên Xô, nơi này đã ăn sâu vào tâm trí và trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi gắn bó với Liên Xô. Những khó khăn của cuộc đấu tranh không lay chuyển được niềm tin ấy mà trở thành động lực để tôi phấn đấu hơn nữa. Họ cho tôi quyền được sống ngẩng cao đầu và tâm hồn tôi thoải mái, không ai và không điều gì có thể lấy đi niềm tin này của tôi, kể cả cái chết”, bà viết trong những năm cuối đời.

Nữ điệp viên qua đời ngày 8/3/1988 với quân hàm đại tá và được chôn cất tại nghĩa trang Khovanskoye ở Moskva.

Theo Duy Sơn/VNE (RBTH)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói