Ngày 12/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh ra các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Đình Cương (SN 1965 - ở tổ dân phố Khánh Yên, thị trấn Lộc Hà) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Trả lời:
Thế nào là lạm quyền trong khi thi hành công vụ?
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ được xem là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là một trong các tội phạm về chức vụ được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì lợi ích của mình hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ, gây nên thiệt hại cho lợi ích của xã hội, của nhà nước và những lợi ích hợp pháp khác của công dân.
Trong đó, người thi hành công vụ gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" bị phạt như thế nào?
Theo Điều 357 Bộ luật Hình sự, Tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” hiện nay được quy định gồm 4 khung hình phạt chính. Cụ thể:
- Phạt tù từ 1 - 7 năm với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 10 - dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Phạt tù từ 5 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 2 lần trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng.
- Phạt tù từ 10 - 15 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu - dưới 1,5 tỷ đồng.
- Phạt tù từ 15 - 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.