Tổng thống Trump muốn 'lập tức đóng cửa Bộ Giáo dục'

Tổng thống Mỹ tuyên bố muốn đóng cửa Bộ Giáo dục, sau nhiều lần đề cập khả năng giải thể cơ quan này bằng sắc lệnh hành pháp.

"Tôi muốn nó bị đóng cửa ngay lập tức. Bộ Giáo dục là một trò lừa đảo lớn", Tổng thống Donald Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 12/2, xác nhận đã giao nhiệm vụ này cho Linda McMahon, ứng viên Bộ trưởng Giáo dục.

Đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ ngay lập tức có thể gây gián đoạn hàng chục tỷ USD trợ cấp cho các trường theo hệ phổ thông 12 năm và những khoản vay học phí cho sinh viên đại học ở nước này.

Tổng thống Trump đang đẩy mạnh hàng loạt thay đổi lớn trong chính phủ, yêu cầu nhân viên liên bang trở lại làm việc tại văn phòng hoặc nghỉ việc, cắt giảm chi phí và nhân sự, đồng thời tìm cách đóng cửa các cơ quan tiêu tốn nhiều ngân sách như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Tổng thống Trump trả lời họp báo tại Nhà Trắng ngày 12/2. Ảnh: AP

Bộ Giáo dục là một trong những mục tiêu tiếp theo trong cuộc đại cải tổ của Tổng thống Trump. Ông từng nhiều lần bày tỏ mong muốn giải thể cơ quan này bằng sắc lệnh hành pháp, song thừa nhận điều cản đường là thiếu đồng thuận từ Hạ viện và các công đoàn giáo viên.

Giải thể Bộ Giáo dục Mỹ không phải là ý tưởng mới. Tổng thống Trump từng đề xuất đóng cửa Bộ Giáo dục trong nhiệm kỳ 2017-2021 nhưng không nhận được sự chấp thuận từ Hạ viện.

Cơ quan này hiện có 4.245 nhân viên và đã sử dụng 251 tỷ USD trong năm tài chính 2024. Bộ Giáo dục Mỹ cũng quản lý các khoản vay cho sinh viên với tổng trị giá lên đến 1.600 tỷ USD. Đây là nguồn nợ lớn thứ ba tại Mỹ. Hơn 44 triệu người Mỹ đang có các khoản vay thuộc diện này và không ít người lo lắng đối diện tương lai bất định nếu Bộ Giáo dục bị giải thể.

Một số viện nghiên cứu bảo thủ, vốn thường kêu gọi bãi bỏ Bộ Giáo dục, đã đề xuất chuyển các chương trình hỗ trợ tài chính và nhiệm vụ giám sát giáo dục ở các bang sang những cơ quan khác.

Những chính sách mà ông Trump có thể triển khai để giải thể Bộ Giáo dục và giải quyết hệ lụy từ bước đi này vẫn là ẩn số lớn. Hệ lụy tất yếu là chấm dứt những chương trình giảm hoặc xóa nợ học phí được triển khai dưới thời cựu tổng thống Joe Biden.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã xóa 188,8 tỷ USD nợ học phí đại học cho 5,3 triệu người vay, tập trung vào mở rộng hoặc cải cách các chương trình hiện có như Xóa Nợ Dịch vụ Công (PSLF) và điều chỉnh những kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập. Tuy nhiên, nỗ lực xóa nợ quy mô lớn của ông Biden đã bị chặn lại bởi hàng loạt vụ kiện do chính trị gia phe Cộng hòa khởi xướng.

Tổng thống Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa cho rằng những chương trình này là lạm dụng quyền lực hành pháp, với một số chính trị gia đề xuất thu hồi khoản nợ đã được xóa.

Theo CNN, Reuters, ABC

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói