Triển vọng nuôi cá nước ngọt ở huyện miền núi Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang khai thác lợi thế nuôi cá nước ngọt khi có hồ Ngàn Trươi lớn thứ 3 cả nước và 30 hồ đập nhỏ trên cơ sở giữ được chất lượng môi trường.

Mô hình thí điểm nuôi cá lồng trong lòng hồ Ngàn Trươi do UBND huyện Vũ Quang triển khai.

Tháng 10/2020, HTX Dịch vụ nông lâm thủy sản Vũ Quang thả lứa cá giống đầu tiên vào 14 lồng bè được đặt trong lòng hồ Ngàn Trươi. Đây là mô hình thí điểm nuôi cá lồng trong lòng hồ Ngàn Trươi do UBND huyện Vũ Quang triển khai với tổng đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ gần 300 triệu đồng.

Các loại cá được thả nuôi là: cá lăng, cá leo, cá chép, trắm giòn. Mỗi lồng nuôi có thể tích 100 m3, khung lồng làm bằng ống nhựa dẻo HDPE, bao quanh là lưới PE được cố định bởi khung sắt cao 1m.

Sau 7 tháng nuôi, cá lăng, cá leo đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con, tỷ lệ sống đạt 75%; cá trắm giòn, chép giòn đạt trọng lượng từ 4 - 4,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%.

Ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm thủy sản Vũ Quang cho biết, mặc dù triển khai nuôi thí điểm nhưng mô hình bước đầu đã cho kết quả tốt. Sau 7 tháng nuôi, cá lăng, cá leo đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg/con, tỷ lệ sống đạt 75%; cá trắm giòn, chép giòn trọng lượng đạt từ 4 - 4,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%. Hiện mô hình đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 25 tấn, thu về khoảng 2,3 tỷ đồng. Trừ các chi phí (giống, nhân công và một phần đầu tư lồng bè), vụ nuôi này cho lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh chọn mua con giống đảm bảo chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng bè thì nguồn nước sạch của hồ Ngàn Trươi là yếu tố quyết định cho sự phát triển của cá.

Cùng với nuôi thử nghiệm cá lồng trên hồ Ngàn Trươi, thời gian qua, người dân Vũ Quang đã tiến hành làm lồng bè để nuôi các loại cá trắm, chép giòn... trên một số hồ đập nhỏ trên địa bàn.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Xuân Hiệu ở xã Hương Minh trên diện tích 216 m2 cho lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/năm.

Tận dụng mặt nước đập Khe Thuộc, xã Hương Minh, năm 2020, anh Nguyễn Xuân Hiệu (xã Hương Minh) đầu tư hơn 200 triệu làm 6 lồng nuôi cá leo, cá trắm (3 lồng cá leo, 3 lồng cá trắm). Nhờ được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tốt, đặc biệt là nguồn nước hồ luôn đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm nên cá phát triển khá nhanh. Sau 6 - 8 tháng, các loại cá leo, cá trắm đã bắt đầu cho thu hoạch.

“1 lồng cá có thể tích 140 m3 thả nuôi khoảng 500 con cá trắm giống hoặc 1.000 – 1.200 con cá leo giống. Sau 6 - 8 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 1,5 – 2 kg. Trừ chi phí thức ăn, nhân công, tính ra mỗi lồng bè cho lợi nhuận 20 - 25 triệu đồng” – anh Hiệu cho biết.

Huyện Vũ Quang đang tiếp tục xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển nuôi cá lồng bè tại các hồ đập với số lượng phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết, ngoài hồ lớn Ngàn Trươi, trên địa bàn huyện Vũ Quang còn có khoảng 30 hồ đập nhỏ với tổng diện tích trên 100 ha mặt nước. Qua quá trình thử nghiệm nuôi cá nước ngọt tại hồ Ngàn Trươi và 1 số hồ đập nhỏ khác trên địa bàn cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Đây là tiềm năng, lợi thế để Vũ Quang nhân rộng, phát triển nuôi cá nước ngọt trong thời gian tới.

“Trước những kết quả thử nghiệm thành công, huyện Vũ Quang đang tiếp tục xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển nuôi cá lồng bè tại các hồ đập với số lượng phù hợp để đảm bảo giữ được chất lượng môi trường nước. Đây cũng là hướng đi mới giúp người dân miền núi Vũ Quang phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.” - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho hay.

Vừa qua, Công ty CP Cá tầm Việt Nam đã có văn bản xin UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép nuôi thử nghiệm cá tầm trên hồ Ngàn Trươi với quy mô 100 lồng, số lượng 100.000 con. Theo đại diện công ty, điều kiện khí hậu, môi trường, nhiệt độ trung bình nước tầng đáy tại hồ Ngàn Trươi phù hợp cho việc nuôi cá tầm.

Sau 1 năm thử nghiệm thành công, Công ty CP Cá tầm Việt Nam sẽ đầu tư với quy mô nuôi công nghiệp, triển khai xây dựng trang trại và chuỗi nhà máy thức ăn tại địa phương. Khi đi vào hoạt động, công ty sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói