Chỉ cách đây hơn một tháng, khi thâm nhập thực tế để triển khai tuyến bài viết về nạn đánh bắt, tiêu thụ chim trời, nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đã chứng kiến cận cảnh quy trình đánh bắt, buôn bán, tiêu thụ các loại chim tại xã Yên Hòa.
Cách đây hơn 1 tháng, cảnh săn bắt, tiêu thụ chim trời ở xã Yên Hòa diễn ra rất phổ biến (Ảnh Văn Chung).
Thời điểm đó, trên các cánh đồng, bãi keo tràm ven biển của xã Yên Hòa, những “thiên la địa võng” được giăng kín để tận diệt chim trời. Những con chim mồi sống đã bị khâu mắt, buộc chặt chân vào cọc để thợ săn giật dây liên tục nhằm phát ra tiếng kêu hay những con chim giả bằng xốp giăng trắng cả một vùng để thu hút đồng loại... là hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi bước chân đến nơi này.
Các loại chim bị đánh bắt được bày bán công khai ở chợ, hai bên đường, tại nhà thương lái, các quán nhậu và rao bán rầm rộ trên mạng xã hội. Cần chim gì, số lượng bao nhiêu, cung cấp theo hình thức nào “thượng đế” đều được đáp ứng.
Công an xã tuyên truyền cho người dân, tiểu thương ở chợ Cừa không đánh bắt, buôn bán, tiêu thụ chim trời.
Sau khi Báo Hà Tĩnh phản ánh tình trạng này, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh, huyện thì chính quyền xã Yên Hòa đã quyết tâm chấn chỉnh để chấm dứt nạn tận diệt chim trời.
Ông Trần Đình Cúc - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: “Chính quyền địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ gia đình về việc không đánh bắt, tiêu thụ chim trời. Đồng thời, phối hợp lực lượng kiểm lâm, công an phá dỡ những điểm đặt bẫy; rà soát các hộ, cá nhân thường xuyên đánh bắt, tiêu thụ để có hình thức răn đe, xử lý”.
Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ra quân phá dỡ những khu vực đặt bẫy chim trên địa bàn.
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng, vai trò tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể tại địa phương cũng được phát huy cao độ. Anh Trần Viết Hà - Bí thư Đoàn xã Yên Hòa cho biết: “Đoàn xã chỉ đạo các chi đoàn quán triệt tinh thần đến từng đoàn viên một cách nghiêm túc, có hình thức xử lý những đoàn viên vi phạm; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt... Với cách làm này, không chỉ đoàn viên thay đổi thói quen, nhận thức mà còn trở thành “tuyên truyền viên” tích cực đối với gia đình, bạn bè”.
Ông Phan Xuân Cương (ở giữa) - một “cao thủ” đánh bắt chim trời được cán bộ tuyên truyền đã từ bỏ công việc săn bắt.
Sau gần 1 tháng ra quân cao điểm, khi trở lại Yên Hòa, ở những khu vực mà trước đó là “tử địa” của chim trời thì nay đã không còn cảnh chim mồi trắng cả một vùng hay những tiếng kêu phát ra từ loa, bộ dụng cụ đánh bắt giăng kín...
Đi sâu vào trong bãi keo tràm, chúng tôi gặp ông Phan Xuân Cương (thôn Mỹ Hòa) đang chăn bầy vịt và chăm sóc hồ cá thả tự nhiên. Ông Cương là một “cao thủ” săn bắt, đánh bẫy chim trời ở địa phương từ nhiều năm nhưng thời gian này, ông đã “gác kiếm”.
Ông Cương chuyên tâm chăm sóc hồ cá, đàn vịt thả tự nhiên.
Ông Cương cho biết: “Tôi bẫy chim vừa như thói quen, thú vui lúc nông nhàn, vừa kiếm thêm thu nhập nhưng khi được các đồng chí cán bộ, công an giải thích, tuyên truyền về tác hại của việc đánh bắt chim trời đối với môi trường tự nhiên, tôi đã không còn tiếp tục công việc đó nữa”.
Từ công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các đoàn thể, không chỉ người trực tiếp đánh bắt mà hầu hết người dân đều thay đổi nhận thức về vấn đề này. Ông Trần Viết Chu (thôn Đại Hòa) chia sẻ: “Từ khi được tuyên truyền, một số trường hợp đánh bắt, buôn bán chim trời bị xử lý, người dân địa phương đã hiểu và chấp hành quy định, không còn tiêu thụ chim trời như trước nữa. Vừa chấp hành pháp luật, cũng là góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên”.
Bãi tràm ven biển - nơi từng là “tử địa” của chim trời nay đã vắng bóng những người săn bắt, bẫy chim.
Vấn đề đánh bắt, tiêu thụ chim trời không phải là mới nhưng với những hình thức đánh bắt kiểu tận diệt như thời gian vừa qua thì thật đáng báo động. Sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành đã và sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn cho các loài chim hoang dã, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, muốn chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này, rất cần những biện pháp quyết liệt, những giải pháp lâu dài. Ông Trần Đình Cúc cho biết thêm: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục rà soát để nắm bắt tình hình, kịp thời tuyên truyền, răn đe và có hình thức xử lý đối với những cá nhân vi phạm quy định. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho những hộ dân thường xuyên làm nghề đánh bắt, buôn bán chim hoang dã trên địa bàn”.