“Trồng người” - nét văn hóa Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Trong văn hóa Hồ Chí Minh, việc giáo dục - đào tạo con người là vấn đề cốt lõi. Việc “trồng người” phải được bắt đầu bằng sự học. Đó là một trong ba nhiệm vụ khẩn thiết Hồ Chủ tịch đề ra ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công: “Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”.

Trong tính cấp thiết của nó, “giặc dốt” ở vị trí số 2 sau giặc đói, bởi đất nước vừa trải qua một trận đói 2 triệu người chết và trước giặc ngoại xâm - còn biết bao nhiêu là hiểm nguy, phức tạp.

“Trồng người” - nét văn hóa Hồ Chí Minh

Sau Tuyên ngôn Độc lập là bức thư Bác gửi học sinh nhân ngày khai trường với những lời dặn dò tha thiết. Ảnh: internet

Bức thư tha thiết đầu tiên ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, đó là bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường - tháng 9/1945: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi (…). Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn nghe thầy, yêu bạn.

Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (*).

Đây là bức thư mà lớp lớp các thế hệ thiếu nhi, học sinh từ Cách mạng tháng Tám - 1945 cho đến nay không ai không nhớ, không thuộc.

Một “non sông tươi đẹp”, một “dân tộc bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”… đó là mục tiêu, là tương lai đã được đặt ra ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”. Đương nhiên đó không phải là chuyện của một ngày hoặc một năm, mà là chuyện của nhiều chục năm, của hàng trăm năm.

“Trồng người” - nét văn hóa Hồ Chí Minh

Sinh thời, Hồ Chủ Tịch luôn quan tâm đến thế hệ mầm non của đất nước. Ảnh: internet

Người viết bức thư tha thiết và rất mực cảm động này cho học sinh là người nói đến nhiệm vụ lâu dài của việc “trồng người” vào tháng 9/1958, trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị cho các giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”.

Như vậy là trong sự nghiệp giáo dục để “trồng người”, Bác giao trách nhiệm và gửi gắm mọi kỳ vọng vào hai đối tượng chính là thầy và trò. Cả hai, như sau này, trong nhiều lần căn dặn, Bác chỉ yêu cầu thực hiện “Hai tốt”, tức là học tốt và dạy tốt. Cũng trong mối quan hệ xây và chống, lấy xây làm chính đó, từ năm 1968, Bác đã chủ trương việc viết sách “Người tốt, việc tốt”, để động viên và giáo dục Nhân dân, cán bộ.

Từ lứa tuổi thiếu nhi đến tuổi thanh niên, mỗi lứa tuổi Bác đều có cách căn dặn riêng. Với thiếu nhi, trong thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, ngày 15/5/1961, Bác nêu 5 điều và bổ sung vào năm 1965 như sau: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Với thanh niên, đó là 4 câu 20 chữ - đã trở thành phương châm sống, chiến đấu và lao động của mọi thế hệ tuổi trẻ Việt Nam: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

“Trồng người” - nét văn hóa Hồ Chí Minh

Cho đến nay, 5 điều Bác Hồ dạy mãi mãi là bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ. Ảnh: internet

Nhà trường, với hai đối tượng chính là thầy và trò, có trách nhiệm “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Để được là công dân tốt, cán bộ tốt, Bác đặt yêu cầu cao nhất là trau dồi đạo đức cách mạng. Và, về đạo đức, trên báo Cứu quốc năm 1949, Bác nêu 4 phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính.

Với Hồ Chí Minh, “đạo đức là cái gốc của người cách mạng”, tựa như trồng cây phải chăm cho gốc. Còn “trồng người” thì gốc là đạo đức. Và bên cạnh đức là tài. Ngay từ cuối năm 1946, Bác đã có bài “Tìm người tài đức”. “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc có ích nước lợi nhà, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

“Trồng người” - nét văn hóa Hồ Chí Minh

Những lời Bác Hồ dạy về việc “trồng người” luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: internet

Sự thật thì ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, bao nhiêu người tài trong các giới trí thức khoa học, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc đã tập hợp chung quanh Bác, bởi niềm tin tuyệt đối vào Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh - hai cái tên cả 25 triệu người dân Việt Nam không ai không ngưỡng vọng.

Nói Hồ Chí Minh là nói đến một con người với lòng tin kiên định ở tương lai - tương lai của dân tộc Việt, tương lai của các thế hệ con em đất Việt. Và như vậy, việc chuẩn bị cho con người những hành trang đường dài, cho tương lai, luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời, cho đến khi qua đời, như trong Di chúc năm 1969: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Và: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Còn người, là còn tất cả. Và sự nghiệp “trồng người” là sự nghiệp khó khăn nhất và cao cả nhất, chung cho tất cả.

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.