Từ bỏ đại học để học nghề hàn tại Hà Tĩnh, chàng trai 21 tuổi gặt nhiều thành quả

(Baohatinh.vn) - Năm 2017, Nguyễn Hồng Sơn (SN 1999, quê ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thi đậu đại học và khi đã chuẩn bị hành trang để nhập học thì Sơn quyết định từ bỏ để học nghề.

Lựa chọn của Sơn khiến nhiều người bất ngờ, không ít người khuyên em nên suy nghĩ lại, chọn học đại học để sau này có tương lai hơn. Nhưng, bố mẹ Sơn thì lại hoàn toàn ủng hộ quyết định của con.

Từ bỏ đại học để học nghề hàn tại Hà Tĩnh, chàng trai 21 tuổi gặt nhiều thành quả

Đậu đại học nhưng Sơn quyết định chọn học nghề.

Theo học tại lớp Cao đẳng Hàn K22, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, Sơn đã gặt hái nhiều thành công, được chọn vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn khi chưa tốt nghiệp, được tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề toàn quốc.

Sơn chia sẻ: “Bố mẹ em đều là công nhân, gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp nên hiểu được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo. Hơn nữa, em nhận thấy một thực tế là nhiều anh chị khóa trước tốt nghiệp đại học cũng chưa hẳn kiếm được cơ hội việc làm tốt. Nếu là một “thợ giỏi” vẫn có tương lai hơn là làm “thầy” mà không có môi trường để phát huy”.

Với suy nghĩ đó, Sơn đã chọn học nghề hàn - một nghề khá “hot” trên thị trường nhân lực, nhưng không nhiều người chọn học bởi quá trình học yêu cầu phải có sức khỏe, chăm chỉ cần mẫn và để trở thành thợ giỏi đòi hỏi sự nỗ lực lớn.

Từ bỏ đại học để học nghề hàn tại Hà Tĩnh, chàng trai 21 tuổi gặt nhiều thành quả

Với nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao, Sơn và một số sinh viên nghề hàn được các doanh nghiệp “đặt hàng” ngay khi chưa tốt nghiệp với mức lương cao.

Quyết tâm trở thành “thợ giỏi”, Sơn đã không ngại khó khăn. Ngoài việc nắm chắc lý thuyết trên lớp, tích cực tham gia các giờ học thực hành tại xưởng, Sơn còn tranh thủ nhờ thầy giáo hướng dẫn và hoàn thiện các thao tác, kỹ thuật khó như hàn ống ở vị trí 6G; hàn inox, nhôm ở vị trí 3G, 4G…

Tiếp thu nhanh, chịu khó, Sơn dần trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của khoa. Dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng quá trình thực tập 6 tháng tại một doanh nghiệp ở Bình Dương, Sơn được trả mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Thực hiện chương trình ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, Sơn và nhiều bạn học cũng đã được các doanh nghiệp như Công ty CP Lilama Việt Nam, AMEC (Hải Phòng), Thép Nhất (Bình Dương)… tuyển dụng sau khi tốt nghiệp với mức lương từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Từ bỏ đại học để học nghề hàn tại Hà Tĩnh, chàng trai 21 tuổi gặt nhiều thành quả

Những sản phẩm với kỹ thuật hàn phức tạp sẽ được Sơn trình diễn tại kỳ thi kỹ năng nghề toàn quốc sắp tới.

Sơn chia sẻ: “Vừa học vừa làm không chỉ giúp em kiếm thu nhập trang trải việc học mà còn là cơ hội để em thực hành, luyện tay nghề và làm quen với môi trường để khi ra trường có thể tự tin tiếp cận công việc dễ dàng hơn”.

Những ngày này, dưới sự giảng dạy, hỗ trợ tích cực của thầy Trần Ngọc Quý - giáo viên Khoa Cơ khí chế tạo và thầy Dương Hữu Đức - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo, Sơn đang miệt mài ôn luyện để chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng.

Em là một trong 3 sinh viên của Hà Tĩnh được chọn tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề toàn quốc lần thứ 11 được tổ chức vào cuối tháng 8/2020.

Từ bỏ đại học để học nghề hàn tại Hà Tĩnh, chàng trai 21 tuổi gặt nhiều thành quả

Sơn cùng thầy giáo đang miệt mài ôn luyện cho kỳ thi quan trọng sắp tới

Thầy Dương Hữu Đức tin tưởng: “Là kỳ thi quan trọng, số lượng thí sinh tham gia khá đông, tay nghề giỏi nhưng với năng lực và tinh thần ham học hỏi của em Sơn, tôi tin tưởng em ấy sẽ đạt kết quả tốt”.

Dù đang tích cực ôn luyện cho kỳ thi nhưng tâm lý của Sơn khá thoải mái: “Em không quá áp lực bởi thành tích là một phần mục tiêu nhưng quan trọng nhất là tham gia kỳ thi em được thử sức mình và học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm từ các thí sinh trên toàn quốc để trau dồi kiến thức, củng cố tay nghề và trở thành một người thợ giỏi”.

Tin liên quan:

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Đọc thêm

Hà Tĩnh tuyên dương học sinh giỏi năm học 2024 - 2025

Hà Tĩnh tuyên dương học sinh giỏi năm học 2024 - 2025

Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo; quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm.
Lớp 6 Trường Albert Einstein có gì?

Lớp 6 Trường Albert Einstein có gì?

Kỳ đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường Albert Einstein năm nay hiện đang thu hút hàng trăm học sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh đăng ký tham gia. Điều gì tạo nên sức hút ở lớp 6 của ngôi trường này?
Rẽ lối đúng giúp học sinh vững bước tương lai

Rẽ lối đúng giúp học sinh vững bước tương lai

Nếu như trước đây, lựa chọn học nghề thường được xem là giải pháp tình thế của nhiều học sinh, thì những năm gần đây, trong bối cảnh thực trạng 'thừa thầy, thiếu thợ' ngày càng phổ biến, học nghề đã trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh chủ động lựa chọn.
Tri ân thầy cô như thế nào cho đúng cách?

Tri ân thầy cô như thế nào cho đúng cách?

Hiện nay, các trường học ở Hà Tĩnh đang chuẩn bị cho lễ bế giảng năm học, bên cạnh đó là lễ tri ân thầy cô. Tuy nhiên, một số lớp học lại tổ chức rình rang, tốn kém và mất nhiều thời gian, trong bối cảnh thi cử đã cận kề. 
Trường THPT Cẩm Xuyên bứt phá dẫn đầu trong giáo dục Hà Tĩnh

Trường THPT Cẩm Xuyên bứt phá dẫn đầu ngành Giáo dục Hà Tĩnh

Khép lại nhiệm kỳ 2020-2025, Trường THPT Cẩm Xuyên tiếp tục khẳng định dấu ấn qua những câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần đổi mới, sáng tạo và qua những thành tích nổi bật của ngôi trường mang thương hiệu lá cờ đầu trong ngành Giáo dục Hà Tĩnh.
Can Lộc khánh thành 3 thư viện thân thiện

Can Lộc khánh thành 3 thư viện thân thiện

Sự hỗ trợ của tổ chức Zhi shan Foundation (Đài Loan) đã góp phần giúp các trường ở Can Lộc (Hà Tĩnh) nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển văn hoá đọc cho học sinh.
Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề nóng trong giáo dục

Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề nóng trong giáo dục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 61/CĐ-TTg ngày 10/5/2025 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.