Thi thoảng trên một số nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, instagram… tôi lại thấy một số bạn trẻ đăng bức ảnh chụp các tờ tiền Việt Nam với nhiều mệnh giá khác nhau rồi viết status: “Yêu một người dù người ấy mặc áo màu gì cũng yêu”. Đáng buồn, không ít cán bộ, công chức cũng cho rằng đó là trò đùa thú vị nên share về trang cá nhân của mình hoặc tự đăng một bài tương tự như vậy. Và kèm theo đó là hàng loạt người vào thả like, bình luận sôi nổi, cổ súy cho hành động đó. Thi thoảng tôi mới bắt gặp một bình luận phản ứng với kiểu đùa thiếu văn hóa ấy.

Tôi tin rằng, những người đưa chân dung lãnh tụ được in trên đồng tiền đất nước ra đùa cợt không hiểu gì về ý nghĩa của hình ảnh đó. Tiền giấy bạc Việt Nam ra đời (31/1/1946) đã góp phần xây dựng và phát triển kinh tế kháng chiến, xây dựng và phát triển hậu phương miền Bắc XHCN; đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, đi lên CNXH. Và, hình Bác Hồ in trên giấy bạc đã khắc sâu niềm tin sắt đá, thiêng liêng nhất của quần chúng nhân dân vào Đảng và lãnh tụ.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, dù việc lựa chọn hình ảnh Bác Hồ có nhiều thay đổi, ẩn chứa nhiều thông điệp nhưng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn đặt ở vị trí trang trọng ở mặt trước của tờ tiền, làm hình chủ đạo. Chính vì thế, việc đưa hình ảnh Bác ra để đùa cợt, dù trong hoàn cảnh nào cũng là hành động đáng lên án.
Có một kiểu báng bổ tiền nhân khác khá phổ biến trên mạng xã hội là đưa Vua Hùng ra đùa cợt trong dịp lễ 8/3. Phổ biến nhất là các status với nội dung nôm na như: Vì ngày 8/3 Hùng Vương không tặng quà cho hoàng hậu nên 10/3 hằng năm là giỗ của vua. Và cũng rất buồn là ở dưới những status như vậy, vẫn có rất nhiều bạn trẻ vào bình luận rất sôi nổi. Hầu hết không hề nhận ra chủ tài khoản facebook đang có hành vi xúc phạm tiền nhân, nhất lại là với vị vua đã có công dựng nước.

Không chỉ có Vua Hùng, Bác Hồ, nhiều danh nhân khác cũng bị “cư dân mạng” đưa vào “tầm ngắm”, trở thành “dị nhân” trong những trò đùa tưởng chừng như thông minh, sáng tạo nhưng lại rất phản cảm, vô văn hóa. Khoản 7, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia, xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tôi không rõ, những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội có thuộc những hành vi vi phạm theo nghị định nêu trên không nhưng rõ ràng, đó là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn. Và trước khi những hành vi đó bị cơ quan chức năng xử lý thì thiết nghĩ, người chơi mạng xã hội cần lên án và tẩy chay.