Từ hôm nay, Thủ tướng và các Phó thủ tướng không ký văn bản giấy

Chính phủ quyết tâm xây dựng một chính phủ điện tử, chính phủ không giấy tờ, hướng tới thuận lợi hóa tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP MAI TIẾN DŨNG

Không có chuyện Chính phủ khai trương xong rồi đóng cửa, ngồi lại ký giấy. Chính phủ nói là làm và VPCP là cơ quan đầu tiên thực hiện phi giấy tờ.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Nhân Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa khai trương trục liên thông văn bản quốc gia, Tuổi Trẻ đã trao đổi với Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP MAI TIẾN DŨNG về những thay đổi trong tư duy công vụ.

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân

* Xin bộ trưởng cho biết việc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ không giấy tờ được thực hiện thế nào trong thời gian qua?

- Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đi sau nhưng nhìn tổng thể và làm nhanh, cái gì dễ làm trước. Ngày 19-1, VPCP đã chạy thử trục liên thông văn bản quốc gia và đến ngày 12-3 đã khai trương trục liên thông văn bản quốc gia kết nối 95 cơ quan trung ương, địa phương. Nhưng trước đó, từ tháng 10-2018 VPCP đã thực hiện văn phòng phi giấy tờ rồi.

Giờ đang thực hiện bước 1 - xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia, và dừng ở mức gửi, nhận văn bản điện tử giữa VPCP với các bộ, địa phương và ngược lại chứ chưa kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành.

Dự kiến, cuối năm 2019 mới vận hành cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

* Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng chính phủ không giấy tờ?

- Vừa qua, VPCP đã gửi thông báo tới các bộ, ngành, địa phương về việc không phát hành văn bản giấy, chỉ phát hành văn bản điện tử trong mọi chỉ đạo, điều hành. Văn bản điện tử số bảo đảm tính pháp lý như văn bản giấy.

Các bộ, địa phương đang rất hăng hái chuyển sang sử dụng văn bản điện tử. Tất nhiên, vẫn cần thời gian để chuẩn bị về con người, nhân lực và nền tảng hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, các bộ đã sẵn sàng hết rồi nhưng việc ứng dụng của mỗi bộ có sự khác nhau.

Dịch vụ công trực tuyến giúp người dân chỉ việc ngồi ở nhà hoặc bất cứ nơi đâu có mạng Internet kê khai hồ sơ, nộp, bổ sung qua mạng, tiết kiệm chi phí và đỡ tốn thời gian đi lại. Trong ảnh: người dân tra cứu thông tin trực tuyến về quy hoạch tại UBND quận Bình Tân, TP.HCM- Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Theo bộ trưởng, một chính phủ điện tử sẽ xóa bỏ được tình trạng xin - cho, nhũng nhiễu?

- Chưa hẳn xóa được nhưng sẽ giảm mạnh tình trạng xin - cho trong cấp phép đầu tư. Sự minh bạch trong vận hành chính phủ điện tử sẽ tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp, người dân.

Việc Thủ tướng thực hiện ký văn bản điện tử cũng thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng làm trước, qua đó gửi thông điệp tới tất cả bộ, ngành, địa phương, cán bộ công chức cả nước phải điện tử hóa.

Không có chuyện Chính phủ khai trương xong rồi đóng cửa, ngồi lại ký giấy. Chính phủ nói là làm và VPCP là cơ quan đầu tiên thực hiện phi giấy tờ. Mọi tổ chức, cá nhân nào sử dụng văn bản giấy gửi đến VPCP sẽ bị trả lại ngay và phê bình luôn vào văn bản. Thực ra, doanh nghiệp họ cũng không muốn lên gặp bộ, ngành vì sẽ tốn phí hơn.

Với cổng dịch vụ công quốc gia, doanh nghiệp, người dân cứ gửi văn bản lên, cán bộ công chức VPCP phải giải quyết đúng tiến độ, nếu không nó sẽ lưu vết trên hệ thống. Và tôi có quyền kiểm tra tất cả các văn bản trên hệ thống, ông nào chậm chỗ nào, vì sao... sẽ được chấn chỉnh kịp thời.

Bộ trưởng không phải ký văn bản đến 9h tối

* Vậy người dân, doanh nghiệp được lợi gì khi thực hiện chính phủ không giấy tờ?

- Tất cả các dịch vụ hành chính thông thường sẽ được thực hiện trực tuyến trên nền tảng số, hàng loạt các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm và minh bạch. Người dân, doanh nghiệp không cần đến trụ sở cơ quan nhà nước mà ngồi bất kỳ đâu cũng có thể được cung cấp dịch vụ công.

Mọi chi phí khi thực hiện dịch vụ công trên nền tảng số được công khai, sẽ không còn tình trạng người dân, doanh nghiệp phải mất chi phí bôi trơn, chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Qua cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp sẽ không phải gặp trực tiếp cán bộ, công chức thi hành công vụ nữa. Mọi thủ tục hành chính sẽ được tiến hành nhanh gọn, đúng quy định.

Hơn nữa, việc giám sát thực thi công vụ của cơ quan công quyền dễ dàng hơn khi mọi thứ được công khai. Các cơ quan hành chính sẽ phải thực thi trách nhiệm giải trình nếu làm không đúng.

Đồ họa: T.ĐẠT

* Với bộ trưởng việc vận hành cổng dịch vụ công quốc gia mang lại thuận lợi gì trong điều hành công việc?

- Sử dụng chữ ký số để ký văn bản điện tử tiết kiệm rất nhiều thời gian so với ký văn bản giấy. Muốn ký văn bản giấy, bộ trưởng phải về phòng, hoặc chuyên viên phải mang trình tận nơi, nhưng với hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia hiện nay, với sự hỗ trợ của thiết bị số di động, ở bất cứ đâu bộ trưởng cũng có thể ký, phát hành văn bản được.

Việc trình ký văn bản giấy ở cấp bộ những năm qua rất mất thời gian, nhiều khi bộ trưởng bận đi họp cả ngày, chuyên viên buộc phải chờ để trình ký văn bản. Sử dụng hệ thống văn bản điện tử sẽ khắc phục triệt để tình trạng này.

Trước khi áp dụng hệ thống văn bản điện tử có hôm tôi phải ngồi ký văn bản đến 9h tối mới xong. Đó là chưa kể tới thời gian chuyển phát từ trung ương đến địa phương cũng mất tới vài ngày. Giờ với trục liên thông văn bản quốc gia thì đi công tác vẫn có thể ký duyệt văn bản trên mạng.

Về tốc độ phát hành văn bản điện tử thì cứ ký xong, văn thư vào số là phát hành tự động, gửi tới 95 cơ quan trung ương và địa phương. Hệ thống trục liên thông sẽ báo ngay lập tức việc ký duyệt, gửi tới các bộ, địa phương thành công. Tuy nhiên, với các văn bản thuộc hệ mật vẫn phải ký bản giấy. Văn bản mật sẽ không đưa lên hệ thống, mà gửi nhận bằng một hệ riêng.

Các doanh nghiệp cũng đang mong đợi đến cuối năm 2019 sẽ vận hành cổng dịch vụ công quốc gia trên nền tảng tích hợp, kết nối chia sẻ, khi đó các dịch vụ sẽ tới trực tiếp doanh nghiệp.

Ngoài việc phát thư mời qua mạng, Văn phòng UBND TP.HCM còn tổ chức họp trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại... - Ảnh: TỰ TRUNG

Giảm hội họp và đọc báo cáo

* Bên cạnh việc xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia, hiện VPCP cũng xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, điều này sẽ mang đến thay đổi gì?

- VPCP đang cố gắng vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) vào tháng 6 tới. Khi có hệ thống này, văn bản cấp bộ trưởng xử lý sẽ được gửi thẳng vào máy tính bộ trưởng, chỉ các văn bản gửi đến bộ thì mới gửi qua hệ thống bộ để phân cấp xử lý.

Việc xin ý kiến giữa các bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các vấn đề liên quan cũng gửi qua eCabinet, khi đó sẽ không còn văn bản giấy qua lại nữa. Và khi Chính phủ cần xin ý kiến về một chủ trương nào đó, các thành viên chính phủ chỉ ấn vân tay biểu quyết thông qua hoặc không thay vì gửi văn bản giấy hiện nay.

Mọi tờ trình, bản báo cáo tóm tắt, bản đầy đủ đều gửi nhận qua hệ thống eCabinet, sẽ không còn cảnh lãnh đạo bộ, ngành đi họp với cả chồng tài liệu dày cộp.

Kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử ở một số nước thì VPCP là cơ quan tổng hợp sẽ gửi tài liệu trên mạng, trao đổi trên mạng với tất cả các bộ, ngành, chỉ khi có những vấn đề không thống nhất mới đưa ra Chính phủ họp, quyết định. Như vậy sẽ giảm được hội họp, khi họp cũng không phải đọc báo cáo nữa.

Thủ tướng và phó thủ tướng sử dụng chữ ký số

VPCP đang trình Thủ tướng kể từ 1-4 sẽ không phát hành văn bản giấy nữa, Thủ tướng và các phó thủ tướng sẽ không ký văn bản giấy mà sử dụng chữ ký số phát hành văn bản điện tử. Tinh thần của Chính phủ là làm từng nấc từ trung ương đến địa phương.

Theo tuoitre.vn

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói