Từ nguyện vọng hiến xác cho y học của tử tù Hà Tĩnh, thấy gì về cơ chế pháp lý?

(Baohatinh.vn) - Mong muốn hiến tạng, hiến xác cho y học là ước nguyện nhân văn, thể hiện sự sám hối, hướng thiện của tử tù tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, dù pháp luật không cấm nhưng đến nay, vẫn chưa có bất cứ hành lang pháp lý nào để tử tù được toại nguyện.

Từ nguyện vọng hiến xác cho y học của tử tù Hà Tĩnh, thấy gì về cơ chế pháp lý?

Lê Minh Hải (SN 1983, trú phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) mong muốn được hiến xác cho y học.

Ngày 28/1/2021, Tòa án nhân dân tỉnh (TAND) Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Minh Hải (SN 1983, trú phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) về tội “Giết người”.

Trong 2 phần thẩm vấn và tranh tụng, HĐXX đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Hải xuất phát từ mâu thuẫn trong việc chia tài sản sau ly hôn. Vì nghĩ mình bị gia đình vợ cũ lừa gạt, Hải đã dùng hung khí đâm, chém liên tục vào người chị gái và mẹ vợ cũ khiến 2 người chết, 1 người bị tổn hại 8% sức khỏe.

Với hành vi “đi đến tận cùng của tội ác”, HĐXX cho rằng Lê Minh Hải không còn cơ hội để giáo dục, cải tạo thành người có ích cho xã hội nên đã tuyên phạt bị cáo mức án cao nhất: Tử hình.

Khi được nói lời sau cùng, Hải xin lỗi gia đình bị hại và xin hiến xác cho y học để được thanh thản.

Nguyện vọng được hiến tặng thân xác để phục vụ cho khoa học hoặc cứu sống người bệnh của những tử tù như Lê Minh Hải là chính đáng và nhân văn. Tuy nhiên, dựa vào cơ chế pháp lý hiện hành, di nguyện này rất khó thực hiện.

Từ nguyện vọng hiến xác cho y học của tử tù Hà Tĩnh, thấy gì về cơ chế pháp lý?

Luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu

Luật sư Phan Văn Chiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP. Hà Tĩnh) phân tích: “Việc tử tù có nguyện vọng hiến xác, hiến tạng không được quy định trong luật và các văn bản pháp luật liên quan.

Về nguyên tắc, muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn; đồng thời, đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn... Muốn hiến tạng, hiến xác, bắt buộc phải có một cơ thể “sạch” nên khi đã tiêm thuốc độc, các bộ phận không còn đảm bảo. Đây là vấn đề rất phức tạp, nếu không có cơ chế pháp lý chặt chẽ và quy định hướng dẫn cụ thể sẽ dễ phát sinh nhiều hệ lụy”.

Từ nguyện vọng hiến xác cho y học của tử tù Hà Tĩnh, thấy gì về cơ chế pháp lý?

Việc hiến tạng, hiến xác cho y học là cách để các tử tù chuộc lỗi, rằng sự đóng góp nhỏ bé của mình sẽ tái sinh ở một cơ thể sống khác, có ý nghĩa hơn (Ảnh minh họa).

Đồng tình với quan điểm của luật sư Chiều, luật sư Trần Đình Lợi - Giám đốc Công ty Luật TNHH Mai Sen (TP. Hà Tĩnh) cho hay, để lấy được bộ phận cơ thể của tử tù ghép cho người sống thì phải làm sai quy trình thi hành án (theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019), tức là phải lấy trước khi tiêm thuốc. Như vậy, điều này không chỉ vi phạm vấn đề đạo đức mà người thực hiện việc lấy tạng, ghép tạng có thể phạm tội.

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến yếu tố tâm linh bởi việc mang bộ phận của tử tù phạm trọng tội trong một số trường hợp sẽ khiến người được ghép tạng e ngại.

Luật sư Lợi cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn về y tế đánh giá ảnh hưởng của chất độc trên cơ thể tử tù đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cho người khác cũng như hiến xác cho y học. Tuy nhiên, theo Điều 78, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Hội đồng thi hành án tử hình gồm: Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng; Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp.

Như vậy, các bác sỹ, nhân viên y tế không thuộc Hội đồng thi hành án nên rất khó để đánh giá yếu tố nói trên.

Khoản 3, Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”.

Việc hiến xác là một quyền của công dân. Cụ thể, tại Điều 35, Bộ Luật dân sự 2015 về Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau: “Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác”.

Điều 5, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2016 cũng quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Đọc thêm

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Lời cảnh tỉnh từ một phiên tòa

Không chỉ là bài học riêng cho 3 bị cáo, phiên tòa mà TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở còn là lời cảnh tỉnh cho những ai hám lợi để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.