Tuổi dậy thì, trẻ có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, gia đình, thầy cô cần chú ý đến trẻ để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi này (ảnh chỉ có tính minh họa)
Cách đây ít ngày, ở độ tuổi đẹp nhất, em T.Đ. (lớp 11A8, Trường THPT Nghèn, Can Lộc) đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Là một học sinh (HS) ngoan, hiền, không có bất cứ biểu hiện phá phách, nghịch ngợm, thế nhưng, chỉ vì bồng bột, em đã ra đi để lại nỗi đau cho không chỉ gia đình mà còn thầy cô, bè bạn.
Trước đó không lâu, cư dân mạng xôn xao hình ảnh em L.T.N. bị 2 cô gái lao vào túm tóc, tát túi bụi vào mặt, chửi bới trước cổng Trường THPT Hồng Lĩnh (phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh). Qua lời tường trình của thiếu nữ ra tay đánh bạn, vì em L.T.N. dám nhắn tin đòi nợ thay bố mẹ cùng những lời lẽ thách thức nên mới dẫn tới xảy ra sự việc.
Đây chỉ là một trong rất nhiều clip được tung lên mạng xã hội. Còn rất nhiều sự việc khác như HS nam trường THPT kéo quân đến “đánh ghen” một HS khác nhỏ tuổi hơn đang học tại trường THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh với lý do “giành” bạn gái của mình. Qua thống kê chưa đầy đủ, các vụ HS đánh nhau trong và ngoài trường học đang có dấu hiệu gia tăng với những lý do khá đơn giản, rất trẻ con như: “nhìn đểu”, ghen tuông, đả kích nhau trên facebook… Cùng với đó, những vụ kích động tâm sinh lý của các em nói trên còn xuất phát từ một thực tế đáng báo động hiện nay là HS dễ dãi trong tình yêu, yêu sớm, thích thể hiện, sống “ảo” trên mạng hoặc ảnh hưởng từ phim ảnh…
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi dậy thì với tâm sinh lý chưa vững nên nhiều bạn trẻ khó kiểm soát bản thân, dễ nảy sinh những hành động bất thường. Khi có biểu hiện bế tắc do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, họ thường có ý định tự tử. Đặc biệt, nếu xảy ra mâu thuẫn với gia đình trong giai đoạn này, hoặc bản thân không tìm được chỗ dựa tinh thần từ những người thân thiết thì nguy cơ tự tử ở độ tuổi này lại càng gia tăng. Bởi khi gặp stress, nếu được cha mẹ, thầy cô lắng nghe, chia sẻ thì các bạn trẻ sẽ dễ dàng giải tỏa tâm lý hơn.
Chị Lê Thu (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Ở tuổi dậy thì, dù là con trai hay con gái đều thích thể hiện bản thân với bạn bè. Điều đáng buồn là những hành vi bạo lực của con trẻ lại được bạn bè đứng xem, cổ vũ, cho thấy sự vô cảm của các em. Vì vậy, không chỉ gia đình, thầy cô mà cả xã hội cần quan tâm, giáo dục các em nhiều hơn nữa, đặc biệt ở lứa tuổi này”.
Tuổi dậy thì thường có những bất ổn về tâm sinh lý cũng như các mối quan hệ xã hội. Đây cũng là giai đoạn khó khăn với những vấp váp đầu đời, thiếu kỹ năng sống nên rất dễ dẫn đến những hành động nông nổi. Bởi vậy, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động để giúp thế hệ trẻ “sàng lọc” những hành động tiêu cực, hướng tới những giá trị nhân văn, biết ước mơ và khát vọng. Các bậc phụ huynh, thầy cô, bạn bè cần đặc biệt quan tâm giúp những bạn trẻ trong lứa tuổi “ô mai” có thể vượt qua những bất ổn tuổi dậy thì, sống có trách nhiệm với gia đình và đóng góp sức trẻ vào sự phát triển của xã hội.