Ngày ấy, bố tôi đi làm xa, một mình mẹ vừa làm ruộng, vừa chăm ông bà nội già yếu và một đàn con lớn bé. Người phụ nữ như mẹ dù có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể có đủ thời gian để vừa lo việc gia đình, vừa quản lý 5 đứa con nghịch như giặc, chứ nói gì đến việc hướng dẫn con học bài. Đứa lớn trông đứa bé, 5 chị em tôi quen với việc đầu trần, chân đất, chạy khắp nẻo đường thôn. Không có mô đất, dải ruộng, bờ ao nào ở cái vùng quê ấy mà không có dấu chân của chúng tôi. Thả diều, tắm mưa, đá bóng, bắt cá... giữa trời nắng chang chang, không ít lần bị ăn đòn, bởi những trò nghịch ngợm, phá phách nhưng rồi đâu lại vào đấy. Và cứ thế, chúng tôi lớn lên trong lòng quê với những kỷ niệm êm đềm không thể phai.
Trẻ em cần có không gian vui chơi, thư giãn để phát triển một cách toàn diện.
Hôm nay, nhìn cậu con trai bé nhỏ của tôi chơi đùa cùng bạn hàng xóm trong khoảng sân chật hẹp chưa đầy 10m2, chợt thấy thương làm sao những đứa trẻ thị thành? Cũng như bao bà mẹ ở thành phố khác, dù muốn nhưng tôi luôn e dè việc cho con thoải mái chơi đùa ở vỉa hè, không gian công cộng bởi hiểm nguy luôn rình rập. Nào xe cộ đông đúc, nào người lạ qua lại nhiều, không gian chật hẹp không đảm bảo an toàn cho con… Và giải pháp là nhốt con trong nhà, giữa những bức tường chật hẹp, hàng rào sắt bí bách, gò bó. Nếu có được chơi đùa đi chăng nữa thì cũng là những khu vui chơi nhân tạo với đồ chơi, trò chơi điện tử. Giữa chốn phồn hoa, giữa bộn bề cuộc sống, tôi bỗng giật mình trước một không gian tiện nghi nhưng tù túng, thật khó để những đứa trẻ như con tôi có được cuộc sống thoải mái, tự do và đúng nghĩa như tuổi thơ tôi đã từng có.
Vấn đề của những đứa trẻ tuổi mẫu giáo như con trai tôi chủ yếu là thiếu không gian, nhưng với những đứa trẻ lớn hơn, câu chuyện không đơn giản chỉ có thế. Những khuôn khổ, những bài tập, những ca học thêm triền miên cả ngày lẫn đêm dường như là nỗi ám ảnh chung của hầu hết trẻ con thành phố.
Tôi có cô em họ đang học lớp 8, được bố mẹ kỳ vọng đậu vào Trường THPT Chuyên tỉnh. Nhìn lịch học kín đặc của em, tôi chợt “rùng mình”. Học, học và học…, không có chỗ cho những hoạt động vui chơi giải trí, không có thời gian dành cho gia đình. Em cũng không phải (hay không được) đụng tay làm việc nhà; đến ăn cũng phải khẩn trương để còn kịp giờ học của ca tiếp theo. Em nói với tôi rằng, em còn sợ chủ nhật hơn ngày thường vì với mọi người là ngày nghỉ còn với em và bạn bè thì đó lại là ngày “tăng ca” học thêm. Tôi không tìm thấy ở em vẻ nhí nhảnh, hồn nhiên, cái trong sáng, linh hoạt của một cô bé tuổi trăng rằm. Thay vào đó là hình ảnh một đứa trẻ lớn mỏi mệt, đôi mắt lờ đờ sau cặp kính cận dày cộm.
Lớn học nhiều đã đành, bé cũng phải học và học những thứ “cao siêu”. Chị bạn tôi khoe rằng: “Bin nhà chị bây giờ Tiếng Anh khá lắm, chị vừa đăng ký cho nó học toán siêu tốc ở trung tâm. Em có biết cô giáo nào luyện chữ đẹp không?”. Con chị chỉ mới học lớp 1, tôi cứ thắc mắc cháu lấy sức đâu để đáp ứng ngần ấy kỳ vọng của mẹ?
Với tâm lý “học không bao giờ thừa”, nhiều phụ huynh đã ép con học tất cả những gì “họ muốn” thay vì học những thứ “con cần”. Vì sự ganh đua, sĩ diện, nhiều phụ huynh đã bắt con “oằn mình” gánh ước mơ, tham vọng của chính bản thân mình.
Cuộc sống ở thành thị hiện đại đấy, đủ đầy vật chất đấy nhưng tuổi thơ của trẻ con thành phố dường như đang bị “đánh cắp” dần, bởi những nguy cơ mất an toàn, thiếu một không gian sống trong lành, thoáng đãng và đặc biệt là áp lực học hành. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ làm người lớn phải nhìn lại mình giữa dòng đời hối hả: “Nước mắt thêm nước mắt/ Đồ ăn nhuốm bụi đường/ Con phố đời vội vã/ Mẹ chở con đến trường”…