Về nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng.
Mức đóng này còn tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới.
Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam.
Người dân nhận lương hưu hàng tháng (Ảnh: Hà Hiền).
Như vậy, tỷ lệ tích lũy hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.
Việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành.
Cho nên, theo Bộ này, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từng nêu, mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao.
Bình quân năm 2022, bình quân tiền lương đóng bảo hiểm chỉ 5,73 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế, ở một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác ra nhằm mục tiêu “né” đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hưu trí. Mức đóng bảo hiểm xã hội thấp ảnh hưởng đến lương hưu của mỗi người khi về già.
Bản dự thảo mới nhất Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...) và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước, dự thảo luật cơ bản kế thừa quy định hiện hành. Song, dự thảo luật quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.