UBND tỉnh chỉ thị về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn các công trình

(Baohatinh.vn) - Cơ quan chuyên môn nhận định, sự chuyển pha thời tiết dự báo làm cho tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, nguy cơ cao tác động trực tiếp đến Hà Tĩnh.

Thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ năm 2024.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, hiện tượng El Nino đã suy yếu đang chuyển sang trạng thái trung tính và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm. Sự chuyển pha thời tiết dự báo sẽ làm cho tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, dẫn đến hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ có khả năng xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và nguy cơ tác động trực tiếp đến Hà Tĩnh là rất cao.

149d0074759t45298l0.jpg
Năm 2024 được dự báo mưa lũ có khả năng xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và nguy cơ tác động trực tiếp đến Hà Tĩnh là rất cao. Ảnh tư liệu.

Thực hiện Chỉ thị 2592/CT-BNN-TL ngày 10/4/2024 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024; để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, các ngành để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai năm 2023, đề ra các giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ năm 2024 đạt hiệu quả cao; xây dựng phê duyệt phương án cụ thể, sát với thực tế, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.

Tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo vận hành công trình. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời.

Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình. Tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình thủy lợi, đê điều, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng, chính quyền cấp huyện trong việc triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Theo đó, riêng với Sở NN&PTNT, cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác PCTT&TKCN theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các chủ quản lý công trình thủy lợi, đê điều thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 2592/CT-BNN-TL ngày 10/4/2024.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa, lũ và báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; hướng dẫn các đơn vị quản lý các hồ chứa thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Tham mưu UBND tỉnh quyết định phương án tích nước và giải pháp đảm bảo an toàn đối với đập, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Không tham mưu cấp phép cắt xẻ đê và thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa lũ.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chỉ đạo rà soát, kiểm tra các quy định về đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu thuyền, nắm chắc số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; tiếp tục phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền phòng tránh bão, lũ và các quy định liên quan về an toàn tàu cá. Quản lý, theo dõi hoạt động của các tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động các kế hoạch, phương án sử dụng, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó thiên tai khi có yêu cầu. Chủ trì tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các sự cố do thiên tai.

122d4122237t45423l0.jpg
CBCS Đồn Biên phòng Hòa Hải (Hương Khê) giúp người dân trên địa bàn sơ tán trong lũ (tháng 11/2023).

Rà soát, kiểm tra bổ sung các phương án, kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và TKCN phù hợp với thực tế. Tổ chức đầu tư, mua sắm, nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang bị ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức huấn luyện, diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai tại cơ sở, lực lượng dân quân tự vệ...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện, ứng cứu và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu; ứng phó và tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện, tàu thuyền khi gặp sự cố, thiên tai xảy ra trên biển, khu vực cảng biển, cảng cá, cửa sông, cửa lạch; thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển quản lý, kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển. Tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá. Kết nối thông tin trực tiếp với tàu cá và gia đình chủ tàu, đảm bảo tàu cá hoạt động trên biển nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời thông tin về bão, áp thấp nhiệt để phòng tránh hoặc di chuyển đến nơi an toàn.

Công an tỉnh đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị cùng phối hợp với lực lượng quân sự, biên phòng, Sở GTVT và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc di dời dân khẩn cấp người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra. Trực tiếp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, kiểm soát, tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực, tuyến đường giao thông bị thiên tai, sự cố, thảm họa và chủ động phối hợp tham gia công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Về phía UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật; các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về công tác phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai thuộc nhiệm vụ của mình quản lý.

Củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai cấp cơ sở, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã nhằm chủ động ứng phó kịp thời các sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ những giờ đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chuẩn bị các kế hoạch, phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cảnh báo và bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố thiên tai đã xảy ra trong những năm gần đây, chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới.

Rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra các tình huống thiên tai như: bão; bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…..nhất là đối với Nhân dân, khách du lịch tại các khu du lịch ven biển và vùng thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Từng bước giải tỏa công trình, nhà ở không bảo đảm an toàn ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ sạt lở; sắp xếp lại dân cư để phòng chống sạt lở, bảo đảm thoát lũ.

Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ,…; xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Đồng thời, chủ động bố trí nguồn lực tại chỗ để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và ngân sách nhà nước.

Toàn văn chỉ thị mời xem tại đây.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.