Đó có thể là một bàn tiệc vui vẻ của gia đình, người thân; bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng “hội ngộ”; một chầu “lai rai” giữa những đồng nghiệp vừa tan ca; ra ngoài đi công tác rồi “giao lưu gặp gỡ”; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… đều nhậu. Gặp người quen nhậu, người mới nhậu, cứ nhậu trước quen sau. Từ trong công sở hay ngoài cuộc sống, tiệc tùng, ăn nhậu gần như là điều hiện hữu thường ngày. Không có ăn nhậu được hiểu là “không phải phép”, “ không biết điều”, “khó chơi”, “không có rượu khó nói chuyện”…
Ảnh minh họa từ internet
“Văn hóa nhậu” còn thể hiện ở chỗ, cánh đàn ông đã ngồi vào bàn là phải uống, mà đã uống là phải cạn ly, phải 100%, phải theo mâm, phải ôm chai v.v... Cạn chén là một “bộ luật bất thành văn” áp dụng mà được đa phần mọi người đồng ý. Qua cách anh uống, người ta có thể phán rằng, anh có hết mình hay không, có nhiệt tình hay không, có tình cảm hay không, có coi thường bạn bè hay không? Trong khi uống không được bỏ về, vợ gọi mà về là không đáng mặt đàn ông, bị dè bỉu là “bám váy vợ”…
Tất nhiên, người Việt Nam đã quen với việc làm ăn trên bàn nhậu và đôi khi cùng bạn bè ăn nhậu cũng là để kết nối và chung vui. Điều đó là không sai. Thế nhưng, nếu thực sự đối diện với “văn hóa nhậu”, chúng ta sẽ phải công nhận một thực tế là, rất nhiều trường hợp, 2 chữ “tình cảm” có vẻ hợp lý đó lại chỉ là cái cớ để che đậy cho thứ tâm lý hiển thị, thích thể hiện bản thân, không chịu kém cạnh ai, muốn “ăn miếng trả miếng” ngay cả ở trên bàn nhậu.
Thời gian gần đây, không ít vụ ngộ độc rượu do uống quá nhiều như một lời cảnh tỉnh cho các quý ông ham nhậu. Việc uống nhanh, uống gấp có thể dẫn tới sốc, ngộ độc bia rượu bất cứ lúc nào. Nhẹ thì ảnh hưởng đến công việc, lâu dài thì ảnh hưởng đến sức khỏe, trí não, gây ra các bệnh ung thư gan, dạ dày, cao huyết áp, giảm trí nhớ…, nặng thì gây tai nạn cho bản thân hoặc có thể cướp đi sinh mạng của người khác trong lúc thiếu lý trí. Có nhiều bài học mà người ta chỉ có cơ hội học một lần duy nhất nhưng phải trả cái giá quá đắt…
Nhậu có giữ được nét văn hóa vốn có hay không thì còn phụ thuộc vào mục đích uống, cách uống, mức độ uống. Nếu lạm dụng quá mức, người uống sẽ dễ mất tự chủ, gây ra những hành vi thiếu văn hóa, hành động trái với quy định của pháp luật. Việc nhậu vốn không thể bỏ hay cấm, điều quan trọng là mỗi người cần tự nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, bài trừ “bệnh sĩ” trên bàn nhậu. Rượu bia chỉ đơn thuần là thứ đồ uống, không phải thước đo để khẳng định bản ngã của cá nhân. Vậy nên, phải biết từ chối chén rượu đúng lúc, hướng đến việc uống rượu bia có trách nhiệm.