Ngày xuân trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Là đất văn vật, huyện Nghi Xuân có hệ thống di tích văn hóa - lịch sử (VHLS) khá dày với 1 di tích đặc biệt quốc gia: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và 5 di tích quốc gia: đình Hội Thống, đình Hoa Vân Hải, nhà thờ và mộ Nguyễn Công Trứ, đền Chợ Củi, đền Cương Quốc công Nguyễn Xí và hơn 50 di tích văn hóa cấp tỉnh xếp hạng. Từ những di sản văn hóa vật thể này đã hình thành nhiều lễ hội văn hóa trong dịp vui xuân, đón tết cổ truyền.

Huyện Nghi Xuân trồng 5.200 cây xanh trong ngày đầu năm mới Giáp Ngọ

Huyện Nghi Xuân trồng 5.200 cây xanh trong ngày đầu năm mới Giáp Ngọ

Ngày tết, các di tích VHLS được chăng đèn, kết hoa, treo đèn lồng, cờ thần rực rỡ, đồng thời trưng bày hiện vật, thư tịch cổ, bố trí người trực để đón tiếp du khách đến tham quan. Đêm 30 tết, tiếng chiêng trống liên hồi từ các di tích văn hóa, nhà thờ dòng họ, tiếng chuông chùa ngân lên từng hồi báo hiệu giao thừa. Tại một số di tích VHLS như đền thờ Quận công Đặng Đình An ở xã Xuân Hồng, đền Tam Tòa ở thôn Thiên Linh, xã Xuân Liên… người dân sắm sửa lễ vật, đội mâm cỗ lên đền tế cáo Thành hoàng để cầu mong năm mới công việc làm ăn suôn sẻ, bình yên, gia cảnh an khang, thịnh vượng.

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, con cháu một số dòng họ đến di tích thắp hương phúng viếng tổ tiên và nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ những người đã khuất. Tại một số di tích VHLS như đền Huyện ở xã Xuân Giang, Đại Càn ở Hội Thống, đền Nhà Bà, Cương Khấu ở Cổ Đạm, đền Cương Quốc công Nguyễn Xí ở Cương Gián… nhiều người mang hương, hoa quả đến cúng viếng xin lộc thần thánh.

Đặc biệt là đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng thờ Liễu Hạnh công chúa và Quan Hoàng Mười, sau giao thừa, hàng ngàn người trong Nam, ngoài Bắc về làm lễ xin “lộc thánh”. Ngày tết, thiện nam tín nữ đi chùa Thanh Lương, chùa Phúc Hải, Phong Phạn cúng Phật và vãn cảnh xuân. Cùng với đi lễ đền chùa, vào dịp tết, ở di tích đặc biệt quốc gia Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và di tích quốc gia đền thờ và mộ Nguyễn Công Trứ, lượng du khách đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm danh nhân và tham quan các di sản văn hóa cũng tăng đột biến. Điều đó làm cho ngày tết ở Nghi Xuân thêm phần náo nhiệt.

Dân gian có câu “Ngày xuân năm rộng tháng dài”, “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ngày tết cổ truyền ở Nghi Xuân xưa nay diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian. Trước đây, ở xã Tiên Điền có tổ chức biểu diễn trò Kiều, hát phường nón, ví dặm, ngày nay thì giao lưu bóng chuyền, tổ chức các trò chơi dân gian như đi cầu chiền chiện đập mặt nạ, đi cà kheo. Các xã Xuân Mỹ, Xuân Thành thì tổ chức lễ dẫn hoa cúng Phật và diễn trò “sĩ, nông, công, thương, ngư binh” hoặc “ngư, tiều, canh, mục”. Xã Xuân Giang tổ chức hát tuồng, hát bội diễn tích Trần Bình Trọng, Thoát Hoan và ca hát các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Xã Xuân Liên tổ chức diễn xướng chèo Kiều, hát các làn điệu ví dặm dân ca chào quê hương, đất nước và giao lưu bóng đá với xã Cương Gián. Hàng năm, để đón tết cổ truyền, huyện Nghi Xuân tổ chức đêm thơ nhạc “mừng Đảng, mừng xuân”, mừng đất nước đổi mới; ra tết, tổ chức giải bóng chuyền chào mừng xuân mới. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hướng tới mục đích phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết.

Mùng 4 tết, các xã đều tổ chức mừng thọ người cao tuổi, đặc biệt, xã Tiên Điền tổ chức mừng thọ, rước thơ. Đây là tập quán cổ truyền, đặc sắc của nhân dân Tiên Điền từ bao đời nay. Hàng năm, bắt đầu vào ngày 12 đến rằm tháng giêng, mỗi thôn có 1 ngày sắm lễ vật đi cúng Phật tại chùa Trường Ninh. Sau khi các thôn lễ Phật xong, toàn xã họp mặt ở đình Tiên Điền, ngâm thơ, mừng thọ chung vui với các cụ được dân làng mừng thọ. Có một năm, trong lễ mừng thọ, thi sĩ Nguyễn Hành, cháu gọi Đại thi hào Nguyễn Du bằng chú ruột làm một bài thơ mừng thọ ông Chánh xã có câu rằng:

“Tự nhiên tục lệ lâu đời

Nét riêng, riêng một bầu trời Trường Ninh”

Sau khi mừng thọ tại đình làng, xã tổ chức rước thơ về nhà ông Chánh xã. Từ đó trở thành tập quán, nét đẹp đầy chất nhân văn của người Tiên Điền, được các vùng lân cận ca ngợi. Ngày nay, chùa Trường Ninh và đình Tiên Điền không còn. Nhưng tục mừng thọ, rước thơ đang được bảo lưu. Xã Tiên Điền tổ chức lễ mừng thọ các cụ tuổi chẵn tại trụ sở UBND, chúc rượu và đọc thơ chúc mừng. Sau đó, thơ mừng thọ được đặt lên kiệu long đình và rước về nhà. Đoàn rước thơ mừng thọ có cờ trống rất vui nhộn.

Đầu xuân, các xã ở Nghi Xuân đều tổ chức giao lưu, gặp gỡ con em làm ăn xa về quê đón tết. Những cuộc họp mặt đầu năm đầm ấm góp thêm hương vị ngày tết trong mùa xuân mới cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast