Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

(Baohatinh.vn) - Những đại tự, hoành phi, câu đối tại Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) ca ngợi, tôn vinh và trân trọng công lao của các vị tiền nhân, góp phần tô điểm thêm nét cổ kính của di tích.

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Khu di tích Nguyễn Du.

Khuôn viên Khu di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) là một quần thể gồm có nhiều di tích liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn, với tổng diện tích rộng khoảng 28.526 m2 thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là mảnh đất Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm - vị thủy tổ của dòng họ vào sinh cơ lập nghiệp cuối thế kỷ XVI. Nơi đây, những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ đã sinh sống và để lại những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm trên đó có khắc ghi những đại tự, hoành phi, câu đối hay và ý nghĩa, ca ngợi, tôn vinh và trân trọng công lao của các vị tiền nhân.

Cổng chính của dòng họ Nguyễn thể hiện sự uy nghiêm là nơi chỉ dành cho những người đỗ đạt cao, có chức tước, địa vị. Trước cổng có hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa) và câu đối:

Hà mạc do tư ngư hải Hồng Sơn tả hữu

Đắc nhi nhập giả phượng trì long bảng cổ kim

Tạm dịch:

Sao chẳng từ đây tả hữu non Hồng biển Hội

Chỉ được vào đó xưa nay áo phượng bảng rồng.

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Du khách tham quan Khu di tích Nguyễn Du. Ảnh tư liệu

Cổng phụ lối vào tham quan hiện nay có bức đại tự: “Tiên Điền Nguyễn gia viên” (Khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền) và câu đối:

Nhất viện cầm tôn nhân chí khứ

Đại gia văn tự thế tranh truyền.

Tạm dịch:

Đầy viện cầm tôn, chủ nhân đã vắng

Đại gia văn học, đất nước còn truyền

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Đậu Hà.

Nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du được dòng họ xây dựng năm 1824 trên khu vườn cụ sống đương thời. Năm 1940, Hội Khai trí Tiến Đức cùng dòng họ xây dựng nhà thờ trong khuôn viên gia tộc của dòng họ. Nhà hạ điện hiện nay có đại tự “Địa linh nhân kiệt” (mảnh đất linh thiêng, sinh ra người hào kiệt), cửa chính hạ điện có câu đối do nhà vua Minh Mệnh ban tặng nói về việc làm quan và đi sứ của ông.

Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiểm

Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh.

Tạm dịch:

Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan sống không hổ thẹn

Trăm năm sự nghiệp, việc nhà việc nước chết vẫn còn vinh.

Câu đối bên cạnh của tiến sỹ Nguyễn Mai, con cháu dòng họ Nguyễn:

Lễ nhạc bách niên văn hiến địa

Giang sơn tứ vọng thái bình thiên

Tạm dịch:

Trời thái bình non sông bốn mặt

Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm.

Nhà thượng điện xây dựng năm 2010 và được hoàn thành năm 2012. Bên trong treo bức hoành phi “Hồng Sơn thế phả” (Dòng họ danh giá dưới chân núi Hồng) và câu đối do Hội Khai trí Tiến Đức Hà Nội cung tiến:

Đôn bản phát tâm thanh thiên cổ văn hương nhân khoái chá

Tư nguyên tầm ý tưởng nhất tân miếu vũ thế hưng yên

Tạm dịch:

Từ gốc dội tiếng lòng thiên cổ văn chương đầy thú vị

Nhớ người tìm hình tượng, một tòa điện ngát mùi hương.

Câu đối kế bên của làng Canh Hoạch - đất thủy tổ của Đại thi hào Nguyễn Du cung tiến:

Canh Hoạch đất danh hương trạng nguyên cậu, trạng nguyên cháu danh truyền khắp nước.

Tiên Điền miền phúc địa, tể tướng cha, tể tướng con phúc ấm muôn nhà.

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Bia đá Nguyễn Quỳnh. Ảnh: Đậu Hà.

Bia đá Nguyễn Quỳnh do con trai là Nghị Hiên Nguyễn Nghiễm lập năm Nhâm Ngọ 1762 để tế thờ ghi công ơn cha mẹ là ông bà Lĩnh Nam Phong Công Nguyễn Quỳnh. Trên bia đá hai bên có câu đối:

Niệm thời truy nhật nguyệt.

Truyền ngữ tại giang sơn

Tạm dịch:

Tưởng niệm cha mẹ theo năm tháng

Còn giang sơn còn truyền tụng

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Bên trong nhà bình văn có bức hoành phi: “Cổ kim nhật nguyệt” và câu đối "Đạo biểu hà đồ thiên xuất thánh/ Văn tồn lạc số địa lai lân. Ảnh: Lê Vân

Nhà văn thánh trước đây vốn là Văn chỉ của huyện Nghi Xuân, trước đặt ở xã Xuân Viên, đến khoảng năm 1735-1740, thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du đã cho chuyển về Tiên Điền, là nơi thờ Khổng Tử, các tiên hiền và tiên nho của cả huyện. Mặt ngoài có câu đối tả cảnh đẹp.

Thâm tai viễn vọng xuyên ngư hải

Cao hỷ giao quan đỉnh Hồng Sơn.

Tạm dịch:

Thăm thẳm xa trông xuyên biển Hội

Nguy nga mãi ngắm ngất Hồng Sơn.

Bên trong có bức hoành phi: “Vạn thế sư biểu" (người thầy tiêu biểu của muôn đời) và câu đối:

Đạo biểu Hà đồ thiên xuất thánh

Văn tồn Lạc số địa lai lân.

Tạm dịch:

Đạo nho tiêu biểu ở bức vẽ sông Hà, trời sinh thành đức thánh

Nền văn học tồn tại theo lá số sông Lạc, đất xuất hiện con kỳ lân.

Câu đối kế bên răn dạy về đạo làm người:

Cương thường chi huấn ghi văn dạ

Lễ nghĩa môn trung thường học chi.

Tạm dịch:

Phép dạy đạo cương thường nhớ ghi trong dạ

Cửa nhà thánh nên chăm học lễ nghĩa.

Đại tự, hoành phi, câu đối ở khuôn viên gia tộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Nhà tư văn. Ảnh Đậu Hà.

Nhà tư văn là nơi sinh hoạt văn chương, họa thơ, bình văn của các sỹ phu, các nho sinh, các khoa bảng đỗ đạt vinh quang về tế lễ. Ở cột nanh bên ngoài có câu đối:

Kiên hồ ma bất lẫn

Trác nhĩ ngưỡng di cao

Tạm dịch:

Càng cứng thì cần mài giũa

Cao thì ngửa mặt càng cao

Bên trong có treo bức hoành phi: “Cổ kim nhật nguyệt” (Ánh sáng muôn thuở) và câu đối nói về vị thế của nhà tư văn.

Cương thường đông vũ tham tam cực

Phú mỹ cung tường ngất lưỡng gian.

Tạm dịch:

Chất ngất hai bề cung tường giàu đẹp

Thênh thang ba cõi trụ cột cương thường.

Câu đối thứ hai:

Nguyên khí luân lưu long cổn nhiễu

Phương phong phảng phất trúc đường khai.

Tạm dịch:

Nguyên khí trời đất vận chuyển tựa rồng uốn khúc

Gió thơm phảng phất khi nhà trúc mở ra.

Những đại tự, hoành phi, câu đối trên là thông điệp không chỉ nói về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, về tình cảm của con người, ngợi ca công lao của danh nhân mà còn thể hiện sự trang nghiêm, kính trọng, là sự chắt lọc, kết tinh những giá trị tình cảm, đạo đức, văn hóa, tư tưởng, từ tình yêu và trách nhiệm với tiền nhân của người đời… Tất cả đã góp phần tô điểm thêm nét cổ kính của di tích và tạo nên nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast