Sổ hộ khẩu giấy từng mang “sứ mệnh lịch sử” thế nào?

Nhiều cán bộ hưu trí khẳng định, sổ hộ khẩu giấy là di sản của một thời kỳ bao cấp, mang sứ mệnh lịch sử, là tiền đề để chuyển giao phương thức quản lý xã hội trong kỷ nguyên mới.

Nhìn lại thời điểm năm 1955, để bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học... Nhà nước quy định tiêu chuẩn cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và bán với giá thống nhất 4 hào/kg.

Đến năm 1957, hai thành phố lớn tại miền Bắc gồm Hà Nội và Hải Phòng có quy định hạn chế người vào đây. Chính quyền khi đó đã quản lý số nhân khẩu bằng việc tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho từng gia đình, cơ quan, trường học...

Khi các công trình nhà ở, nhà máy được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố đã làm tăng nhu cầu công nhân. Tại Hà Nội, nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động gây khó khăn trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ.

Nhằm kiểm soát số người về Hà Nội, ngày 9/9/1960, Chính phủ đã ban hành “Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn” cùng với Nghị định số 36/CP.

Bộ Lao động khi đó có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công dựa theo kế hoạch của Nhà nước.

Tiếp đến, vào năm 1964, hộ khẩu tiếp tục có sự điều chỉnh bằng Nghị định 104, quy định mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách.

Ở xã, thị trấn (nơi không có đồn công an) thì Ủy ban hành chính xã, thị trấn lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc cho từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn; ở nơi chưa có hợp tác xã thì lập sổ hộ khẩu cho từng xóm.

Sổ hộ khẩu giấy từng mang “sứ mệnh lịch sử” thế nào?

Hồ Hoàn Kiếm năm 1973 - thời điểm này, Hà Nội đã quản lý nhân khẩu bằng sổ hộ khẩu. Ảnh: Tư liệu

Những hộ còn làm ăn riêng lẻ được đăng ký chung một sổ hộ khẩu với hợp tác xã, đội sản xuất cùng thôn hoặc cùng xóm.

Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, lâm trường, trường học... lập sổ hộ khẩu ở mỗi khu nhà tập thể của mình dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của cơ quan công an hoặc Ủy ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã thì khi đến đăng ký lấy giấy “Chứng nhận chuyển đi”, họ phải đem theo một trong những giấy tờ theo quy định.

Đến tháng 7/1988, theo Nghị định 4 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu, việc lập sổ hộ khẩu được thực hiện như sau: Ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản.

Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên.

Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó.

Trước thời kỳ đổi mới, hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai , nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm.

Sổ hộ khẩu giấy từng mang “sứ mệnh lịch sử” thế nào?

Sổ hộ khẩu từng là nỗi ám ảnh với người dân tỉnh lẻ mưu sinh. Có người lên Hà Nội làm việc, mỗi lần mất giấy tờ, hay cần xác minh các thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân lại phải lặn lội về quê để làm. Ảnh: VN Plus

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, sổ hộ khẩu đã gắn bó với công dân trong những thủ tục hành chính như: Làm CMND/CCCD, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, sổ đỏ…Xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, giấy ủy quyền/ủy nhiệm, hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng. Đề nghị: Mua nhà công, mua bảo hiểm

Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Điểm chuyển biến quan trọng trong quản lý dân cư, khi Chính phủ đồng ý về việc bỏ sổ hộ khẩu. Điều này được thể hiện qua Nghị định 112, ngày 30/7/2017.

Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Nghĩa là, từ năm 2023, sổ hộ khẩu bản giấy chính thức bị “khai tử”, thay vào đó nhà chức trách sẽ quản lý dân cư theo hình thức 4.0, tức “sổ hộ khẩu điện tử”. Những câu nói “buồn như mất sổ hộ khẩu” đã chính thức hết giá trị.

Một cán bộ từng công tác tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đánh giá: “Sổ hộ khẩu là một di sản của một thời kỳ bao cấp, gắn bó với chúng ta rất lâu, cả một thời gian dài trong lịch sử. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi điều này, chuyển sang dùng nền tảng dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân”.

Vị này cũng chia sẻ, trước đây, rất khó khăn để người dân nhập khẩu, đặc biệt là vào các thành phố lớn. Sau khi bỏ sổ tạm trú, hộ khẩu giấy điều kiện nhập khẩu vào thành phố như Hà Nội, TP HCM... sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Sử dụng CCCD thay sổ hộ khẩu

Mặc dù “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy nhưng vẫn thực hiện duy trì quản lý cư trú đối với người dân. Tức là chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang quản lý bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn.

Do đó, người dân vẫn cần phải làm các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú bằng hình thức online.

Ngoài ra, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, thay vì cấp sổ giấy, cơ quan công an sẽ cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân. Cùng việc sổ hộ khẩu giấy chính thức hết hiệu lực, người dân sẽ được cấp mã số định danh cá nhân (là dãy 12 chữ số trên thẻ CCCD gắn chip).

Theo đó, khi đi làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD gắn chip mà không cần mang theo sổ hộ khẩu và các giấy tờ như trước đây.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast