Vì sao du lịch Hà Tĩnh nằm top cuối vùng Bắc Trung bộ?

(Baohatinh.vn) - Du lịch Hà Tĩnh hiện đang xếp tốp cuối trong các tỉnh Bắc Trung bộ; tỷ trọng GDP du lịch đạt thấp, khoảng 4-4,5%. Đây là những thông tin không vui. Bởi vậy, cần nhìn nhận khách quan bức tranh du lịch, mà trước hết là đánh giá tiềm năng, lợi thế và sản phẩm đã xây dựng được.

Du lịch Hà Tĩnh có nhiều lợi thế?

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Nhiều người nói, du lịch Hà Tĩnh có nhiều lợi thế là không chính xác. Bởi lợi thế phải đặt trong sự so sánh”.

vi sao du lich ha tinh nam top cuoi vung bac trung bo

Hồ Kẻ Gỗ trong xanh, thanh mát, đầy thơ mộng. Ảnh: Trần Hướng

Ông phân tích: So với các tỉnh miền Trung, ít nhất là 2 tỉnh giáp ranh, Hà Tĩnh không thể sánh với Nghệ An, Quảng Bình. Nghệ An có hạ tầng đảm bảo, có Cửa Lò, sân bay Vinh, ga tàu, thiên nhiên trù phú ở phía Tây. Quảng Bình, ngoài các di sản thiên nhiên như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha - Kẻ Bàng, còn có sân bay, ga tàu Đồng Hới, cảng biển Hòn La…

“Không có lợi thế nhưng Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng. Tuy vậy, tiềm năng chưa được khai thác có hiệu quả” - ông Lê Trần Sáng nói.

Trên thực tế, tiềm năng du lịch Hà Tĩnh từ lâu đã được đề cập trong các sách địa chí, các báo cáo khoa học cũng như quan điểm các nhà hoạch định chính sách.

vi sao du lich ha tinh nam top cuoi vung bac trung bo

Khu du lịch Đồng Nôi (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên)

Mới đây, trong cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư du lịch Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ nhận xét: “Hà Tĩnh là vùng “địa linh nhân kiệt” có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, không gian du lịch biển đẹp, lắm hải sản quý hiếm, tươi ngon (...) Tuy nhiên, Hà Tĩnh đang thiếu các khu du lịch điểm nhấn. Sản phẩm du lịch chưa khai thác hết thế mạnh của địa phương, hệ thống giao thông, đường dẫn đến các khu điểm du lịch vẫn còn bất cập. Hoạt động du lịch dịch vụ còn mỏng, manh mún, thiếu các khu vui chơi giải trí, chưa thực sự hấp dẫn để giữ chân du khách”.

vi sao du lich ha tinh nam top cuoi vung bac trung bo

Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng nhưng chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ để "níu chân" du khách.

“Sản phẩm yếu”

Sản phẩm hiện nay của Hà Tĩnh chủ yếu là: Du lịch biển, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái, trong đó, du lịch biển và văn hóa tâm linh được xác định là trọng điểm. Theo lời giám đốc một công ty đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, có kết nối tour, tuyến với nước ngoài: Công ty Du lịch ở Malaysia và Thái Lan nói rằng, Hà Tĩnh cái gì cũng có nhưng không có cái gì điểm nhấn. Trên thực tế, không chỉ “người ngoại cuộc” mà chính người trong tỉnh cũng nhận thấy rõ.

Biển Hà Tĩnh với chiều dài 137 km bờ, nhiều bãi tắm đẹp nhưng có vẻ như đang đầu tư theo kiểu... mạnh nơi nào nơi đó thắng, thậm chí, Khu du lịch Thiên Cầm được xác định là trọng điểm quốc gia nhưng chưa hoàn thành quy hoạch, vướng mặt bằng. Du lịch văn hóa - tâm linh, dẫu là niềm tự hào nhưng khách đến chủ yếu là để tĩnh tâm rồi lại đi nơi khác.

vi sao du lich ha tinh nam top cuoi vung bac trung bo

Thiên Cầm là bãi biển đẹp nhưng chưa được khai thác có hiệu quả.

Ông Đặng Trần Phong - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc trăn trở với mảnh đất có Ngã ba Đồng Lộc và chùa Hương, thừa nhận: “Đây là những địa chỉ nổi tiếng cả nước và quốc tế nhưng thiếu điểm dừng chân, thiếu nơi nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm”. Tương tự, các khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập... đều vậy.

Ông Nguyễn Thiện Phú - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Cần Thơ - người miền Tây, đến công tác tại Hà Tĩnh năm 2015, trò chuyện: “Tôi rất ấn tượng với Hà Tĩnh vì có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nhưng đến đây lại thấy mới chỉ thuần túy tâm linh”.

Du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng chưa có dấu ấn (ngoại trừ khu nghỉ dưỡng Vinpearl), thậm chí tại Khu du lịch sinh thái Nước Sốt Sơn Kim, người “giữ đất” vẫn hờ hững nhiều năm ròng. Du lịch trải nghiệm nông thôn mới chỉ là bước đầu, chưa ai cam đoan là sẽ bền vững...

Sản phẩm du lịch là cả quá trình. “Sản phẩm du lịch yếu”, chứng tỏ quá trình đầu tư cần phải bàn bạc lại. Vì điều này và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, UBND tỉnh đang tập trung xây dựng đề án phát triển du lịch đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

Tại cuộc họp đầu tiên do UBND tỉnh tổ chức bàn về đề án, GS.TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo nghề du lịch Việt Nam đã nói rất hay rằng: Muốn phát triển du lịch thì trước hết, phải xác định, các cấp, ngành có thật sự đam mê làm du lịch hay không? Làm du lịch không giống đầu tư phát triển dự án về kinh tế khác, đòi hỏi một quá trình và thành tựu chỉ đến với những ai biết chờ đợi.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast