Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam

(Baohatinh.vn) - Dạo ấy, tôi soạn thảo cuốn lịch sử 65 năm Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mà tư liệu thì thật mỏng manh. Chiến tranh, sơ tán, bom đạn, rồi thiên tai… sự mỏng manh ấy không có gì lạ. Bạn bè bảo tôi, hãy tới nhờ ông Võ Hồng Huy - người hoạt động xã hội, hoạt động chính trị từ trước Cách mạng tháng 8/1945, gắn bó với cách mạng qua bao thời nóng, lạnh; và rằng, ông Huy là cuốn từ điển sống về lịch sử, văn hóa, địa lý, xã hội.

Và tôi đã được ngồi chuyện trò với ông trong căn phòng trên gác 2 căn hộ bên đường Nguyễn Du giữa ngập tràn sách: sách chữ ta, sách chữ Pháp, sách chữ Nôm, sách chữ Hán, trong một không gian tĩnh lặng, đầy ánh sáng trắng và thoang thoảng hương chè lặng lẽ lan ra từ làn hơi mỏng manh nơi hai cốc nước vàng sóng sánh.

"Tôi nghĩ tôi có lý khi nói rằng, au L.Breton với An Tĩnh cổ lục, Nguyễn Đổng Chi với Địa chí Dân gian Nghệ Tĩnh, núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch với bao thăng trầm dâu bể, với sống chết, với ảo, thực sự tụ về và lên tiếng trong Non nước Hồng Lam của Võ Hồng Huy."

"Tôi nghĩ tôi có lý khi nói rằng, au L.Breton với An Tĩnh cổ lục, Nguyễn Đổng Chi với Địa chí Dân gian Nghệ Tĩnh, núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch với bao thăng trầm dâu bể, với sống chết, với ảo, thực sự tụ về và lên tiếng trong Non nước Hồng Lam của Võ Hồng Huy."

Ồn ào phố xá ngổn ngang nhân thế ở đâu, còn trong căn phòng giản dị mà sang trọng này, tâm hồn con người bỗng trở nên bình lặng, thăm thẳm. Tôi nghĩ thế và nói thành lời ý nghĩ ấy. Võ Hồng Huy cười hồn hậu. Và im lặng. Nhờ trí nhớ tuyệt vời của ông, nhờ những nhận xét sâu sắc từ những trải biết suốt gần nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của ông mà tôi đã hoàn thành cái công việc lội suối, trèo đèo ấy. Lần ấy, tôi không nghe ông nói gì về văn hóa, văn chương.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, người bạn thân thiết của ông, nói với tôi rằng, ký ức về cuộc đời hoạt động chính trị của Võ Hồng Huy phong phú lắm, sâu sắc lắm, nhưng là những gợn sóng trên mặt nước nhiều màu. Dưới những lớp sóng gợn kia, đằng sau thứ màu sắc kia là những hiểu biết thâm hậu về các giá trị văn hóa truyền thống, hiện đại của quê hương - dòng chảy làm nên Võ Hồng Huy. Dòng chảy mà Thái Kim Đỉnh văn hoa lên ấy, khởi nguồn từ làng Yên Điềm ven biển, dưới chân Ngàn Hống từ thời Võ Hồng Huy mới lên mười tuổi, thời ông rũ tóc ngồi bên ngọn đèn dầu lạc gom nhặt tri thức của người cha, của bác ruột, chú ruột uyên thâm Nho học và Tây học.

Lớn lên trong cao trào kháng Nhật cứu nước, sự ra đời của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, Võ Hồng Huy vừa dạy học kiếm sống, vừa tham gia Việt Minh bí mật ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (nơi sau này ông định cư hơn 20 năm). Tổng khởi nghĩa năm 1945, hai mươi tuổi, Võ Hồng Huy làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, Bí thư Chi bộ xã Tiên Bằng. Từ ấy, ông bước vào con đường hoạt động cách mạng đầy vẻ vang nhưng cũng không ít đận gian nan. Ông làm Thư ký Ủy ban Kháng chiến huyện Can Lộc, cán bộ Khu ủy Khu Bốn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Dân Chính Đảng. Tiếp đó là hai chục năm, làm Phó Trưởng ban, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Công việc chuyên môn của một cán bộ chủ chốt của Đảng chiếm hết thời gian vật chất của ông.

Sau này, đọc những tác phẩm nghiên cứu văn hóa của ông, tôi cứ nghĩ, chắc những năm tháng ông ở cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh làm cái công việc ít dính dáng gì đến văn chương, nghệ thuật, đến di sản văn hóa, phải khát khao, phải nồng nàn yêu quý non nước quê hương, phải tha thiết với cuộc sống lắm, ông mới giữ cho dòng chảy ấy không một lúc ngưng nghỉ. Mà sự thực nó không ngưng nghỉ. Năm 1984, ông nghỉ hưu thì năm 1995, cuốn khảo cứu Non nước Hồng Lam (tập 1) của ông ra đời. Một cuốn khảo cứu văn hóa ông cầm bút trong mười năm trời và viết bằng 60 năm gắn bó mật thiết với quê hương, xứ sở. Non nước Hồng Lam (tập 1) lập tức nhận giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tôi nghĩ tôi có lý khi nói rằng, sau L.Breton với An Tĩnh cổ lục, Nguyễn Đổng Chi với Địa chí Dân gian Nghệ Tĩnh, núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch với bao thăng trầm dâu bể, với sống chết, với ảo, thực sự tụ về và lên tiếng trong Non nước Hồng Lam của Võ Hồng Huy. Rồi tập 2 Non nước Hồng Lam ra đời. Ấy là năm 2010, năm Võ Hồng Huy vào tuổi 85. Bấy giờ, người ta mới nhìn thấy ông ở phía khác, phía nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ giản dị đến run rẩy, trong sáng đến sang trọng, tạo nên một văn phong khoa học mà thấm đẫm chất trữ tình của ông đã xác lập tiểu sử, hình dạng, màu sắc, hồn vía của mỗi ngọn núi, con sông, của đền chùa, miếu mạo, của danh nhân, chí sĩ… trên đất Hà Tĩnh.

Ông viết về Núi Hồng - Hoan Châu đệ nhất danh sơn: “Cái tên Núi Hồng làm cầu nối giữa một bên Ngàn Hống - tên Nôm và một bên Hồng Lĩnh, tên Hán - Việt. Cụm tên ấy vừa nôm na, vừa chữ nghĩa, vừa gọn nhẹ trong phát âm, nó đã và đang trở thành một tên gọi thông dụng”. Ông khắc họa chân dung danh nhân Bùi Cầm Hổ: “Hồng Lam chung tú/ Bùi tướng công thiên cổ vĩ nhân (*). Sở dĩ trở thành một nhân vật nghìn đời sống mãi, bởi từ tài năng, đức độ và phong tiết của ông. Đối với chính sự, ông là bậc sỹ phu tận tâm, quyết đoán, công minh, cương trực, không hề tránh né, xu phụ một ai…”. Dẫu viết về cái gì, thể loại, loại hình nào, dẫu tác phẩm dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Hán, ông đều có bạn đọc. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đôi câu đối của vị bác sỹ từng chữa bệnh cho ông viết tặng ông:

“Bút hạc Núi Hồng mở trang dư địa chí

Nghiên loan sông Phượng khơi dòng sử dân gian”.

Bao nhiêu là người quý trọng ông, tin tưởng ông, đi tìm kiếm tri thức nơi ông. Ngoài những giá trị văn hóa quý báu trong hai tập Non nước Hồng Lam, trong gần 2.000 trang địa chí, trong 18 tác phẩm dịch thuật, khảo cứu văn hóa, văn học, văn nghệ dân gian, lịch sử và hàng trăm bài viết khác in ở kỷ yếu các cuộc hội thảo khoa học, trên báo chí… ở ông còn nhiều lắm vỉa quặng văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại.

Không chỉ tôi mà nhiều người trẻ tuổi khác năng lui tới nhà ông, “quấy rầy” ông. “Quấy rầy”, quây quần và đầm ấm. Người nhờ ông dịch sắc phong, kẻ nhờ ông dịch bản gia phả của tổ tiên để lại, lại có người chở ông trên xe máy đi phục hồi những con chữ Hán bị mờ nhòe, mất nét ở đền thờ, di tích… Thêm nhiều lần uống trà, nói chuyện văn hóa, văn chương và cả nghệ thuật. Ông nhiệt tình, kỹ lưỡng từng câu, từng chữ. Tôi có thể thấy được sự hồn hậu thao thức của ông trong những trang sách đứng, ngồi bốn phía chung quanh ông. Tôi có thể thấy ông chẳng giấu giếm điều gì với các thế hệ sau ông. Ông tránh tiệc tùng, rượu chè, ông tìm cách chối từ những chuyện phù phiếm, háo danh để đi cùng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương, đất nước. Ông đã yêu những gì tạo hóa sinh thành, cha ông sáng tạo, xây đắp nên bằng một thứ tình yêu nồng nàn đến đớn đau. Rồi ông biến tình yêu ấy thành ngôn ngữ.

Mọi thứ qua ngôn ngữ của ông nó trở nên sống động, cao thượng và nhân ái: từ người anh em quanh ông, cỏ cây quanh ông, sông, núi quanh ông, lễ hội quanh ông, đền chùa quanh ông…, bóng tối và ánh sáng quanh ông. Nhiều lần, tôi đã nói rằng, những người như ông, họ đi qua thế gian này để thế gian này đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, để con người sống nhân hậu hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn.

* *

*

Tháng chạp năm Ất Mùi 2015, tôi đến thăm ông. Chiều ấy, mưa lay phay và gió se lạnh. Thấy loáng thoáng hoa đào trong những khu vườn sâm sẫm bên đường và thoảng mùi hương trầm nôn nao. Chợt nhớ bữa nào đó, Thái Kim Đỉnh cười buồn, rồi nói rằng, tết này, mình và ông Huy ra ngoài cửu thập, mình chín mốt, ông Huy chín hai. Hai cây cổ thụ trong làng văn hóa đã bắt rễ vào đất quê hương, tỏa bóng xuống đất quê hương, sống tươi tốt, mập mạp sắp trọn một thế kỷ rồi. Trời ạ! Hôm ấy, theo thói quen, tôi đi thẳng lên cầu thang, bước vào phòng làm việc của ông. Ngọn đèn bàn đang tỏa một vùng ánh sáng tròn trên những trang giấy trắng. Trước mặt ông lúc ấy là những trang giấy trắng. Suốt cuộc đời, bao nhiêu lần ông đối diện với trang giấy trắng? Những trang giấy trắng với văn nghệ sỹ là cô đơn, là đau khổ, là dằn vặt, là khát vọng, là tự do, là sức mạnh, là niềm vui thanh khiết nhất. Trước trang giấy trắng, ông hoàn toàn đủ quyền năng thức dậy những gì ông thấy cần phải thức dậy.

Ông lại cầm bút. Ông lại ngồi bên bàn, tấm lưng gầy khom xuống, những đường răn trên gương mặt phúc hậu, dưới ánh sáng nom rõ hơn và có chút gì đó bí ẩn, tôi không đủ sức đọc ra… Khác với những lần trước, lần này, ông không ngồi bên bàn mà nằm trên giường. Ông vào viện mấy ngày vừa trở về nhà. Ngồi dậy, so vai, ông ngẩng nhìn tôi và nói là đang hoàn thiện cuốn địa chí Thạch Hà. Và thêm, không nằm yên vì đang nợ địa chí Cẩm Xuyên, đang viết trang cuối tập khảo cứu văn hóa sông, núi Hà Tĩnh, và…

Tôi biết, tôi ra về thì rồi ông sẽ lại ngồi vào bàn. Lại viết. Viết với tất cả sự đam mê, tất cả tình yêu và tất cả trách nhiệm với con người, với cuộc đời, với thời đại mình đang sống. Tôi đọc ra điều ấy trong ánh mắt ông.

Bẵng đi một thời gian, tôi không thấy ông cùng người vợ nhỏ nhắn đi bộ dọc đường phố Xuân Diệu lúc chiều buông. Không còn gặp ông ở các cuộc họp chuyên đề văn hóa, văn nghệ dân gian. Chưa kịp hỏi thăm sức khỏe ông thì tối ngày 25 rạng sáng ngày 26 tháng 3 năm 2016, ông trút hơi thở cuối cùng, rời bỏ thế gian trong ngôi nhà nhỏ cạnh con đường mang tên Nguyễn Du.

Tôi biết tin buồn này qua điện thoại của Tiến sỹ Võ Hồng Hải, con trai đầu của ông. Hải không nói gì thêm. Tôi cũng không hỏi gì thêm. Ngôn ngữ biến mất trong đau thương. Tôi nghĩ về ông, hình dung ông trong những giây phút cuối cùng và tôi tin rằng, ông ra đi thanh thản như mây bay, gió thổi. Bởi lẽ, những gì ông dâng hiến cho cuộc đời này thì ông phải là người được ban phước cho chuyến đi cuối cùng tới cõi vĩnh hằng.

Hôm sau là đám tang. Hôm sau, trời không mưa nhưng lúc gần sáng, thật nhiều sương mù. Sương mù đọng thành giọt rơi. Và rơi… Tôi đi trong sương rơi qua đường La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, đường Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Nguyễn Đổng Chi, Huy Cận… rồi trở về đường Nguyễn Du - nơi diễn ra lễ tiễn đưa Võ Hồng Huy về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bây giờ, ông đang ở đâu trong vũ trụ vô bờ bến này? Tôi tự hỏi. Hỏi xong, tôi bỗng thấy ông xuất hiện trên những đỉnh núi của dãy Ngàn Hống dưới trời xanh, mây trắng:

Chín chín ngọn Hồng núi liền trời một sắc

Ba nghìn cõi Phật đường tới đạo muôn hương. (**)

_______

(*) Thơ Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình - Võ Hồng Huy dịch.

(**) Câu đối của Võ Hồng Huy khắc trước cổng chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast