‘Leonardo da Vinci’ qua lời kể của chú thợ học việc

Leonardo da Vinci là nghệ sĩ ưu tú của mọi thời đại, ông đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ, vì thế theo ông giúp việc, học việc là niềm tự hào của nhiều họa sĩ.

‘Leonardo da Vinci’ qua lời kể của chú thợ học việc ảnh 1
Bìa sách Leonardo da Vinci, giá 115.000 đồng.

Thông qua những trang nhật ký, Paolo Valenti - một trong những người học việc - kể về cuộc sống của cậu tại Milan vào năm 1490 và vài năm sau đó là năm 1498. Khoảng thời gian này, Italya không phải là một nước thống nhất như ngày nay mà bao gồm các thành bang tự trị, trong đó có Venice, Florence và Milan. Những thành bang này của Italya là trung tâm của thời kỳ Phục hưng, một giai đoạn có những thay đổi và sáng tạo lớn ở châu Âu. Một trong những con người xuất sắc trong thời kỳ Phục hưng - một họa sĩ, kỹ sư, nhà phát minh, nhà khoa học và là môt thiên tài toàn năng – chính là Leonardo da Vinci.

Bắt đầu từ 21/6/1490, Paolo Valenti được cha gửi tới học việc ở xưởng vẽ của Leonardo da Vinci. Paolo Valenti khi đó là con trai của một ông thợ đóng giày, cậu được cha kỳ vọng và ép buộc phải quyết tâm vươn lên để có thể trở thành một họa sĩ tài hoa và nổi tiếng như người thầy của mình.

Một cậu bé có thể trở thành thợ học việc ở tuổi lên mười và sẽ phải rời khỏi gia đình để đến sống với người thầy. Gần như tất cả thợ học việc đều là con trai. Đầu tiên, một người thợ học việc của một nghệ sĩ sẽ phải quét nhà, chạy việc vặt, đánh bóng các tấm đá cẩm thạch và dựng giàn giáo. Cậu bé sẽ phải học cách làm thuốc, chuẩn bị giá gỗ, và sau đó được học vẽ. Khi đã đủ tiêu chuẩn, người thợ học việc có thể làm việc như một nghệ sĩ độc lập.

Thông qua lời kể của chú học việc những chi tiết thú vị về cuộc đời của Leonardo da Vinci được hé lộ.

Ông có thể đi trên đường phố hàng năm trời để tìm kiếm một gương, bởi theo ông “tìm được một gương mặt thật vẫn tốt hơn là phải tưởng tượng”. Ông dành hàng buổi để quan sát những con chim bay lượn, ấp ủ giấc mơ đưa con người lên bầu trời. Ông không ngừng sáng chế ra những kỹ thuật vẽ và chất liệu màu mới trong nỗ lực vươn tới cái hoàn mĩ của tự nhiên. Và vì mưu sinh, ông cũng buộc phải chế tạo các loại vũ khí, điều ông không hề mong muốn. Ông là người thầy ân cần, một người bạn lớn nhưng cũng có những phút giây giận dữ, yếu đuối như một người thường.

Bây giờ tôi phải trở về Pavia, về với công việc của mình – tôi đã được truyền cảm hứng, và vẫn luôn là như thế, để cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa và sống theo những chuẩn mực mà thầy đã đặt ra. Nếu một lúc nào đó, tôi mất đi lòng kiên nhẫn, tôi chỉ cần nghĩ tới Leonardo, người đã đi bộ trên các nẻo đường của Milan hàng năm trời để tìm kiếm một gương mặt trong hàng triệu gương mặt: gương mặt của Judas Iscariot. (Nhật ký ngày 11 tháng 5, 1498).

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast