Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên

(Baohatinh.vn) - Có lẽ người viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất, sau nhà thơ Tố Hữu là nhà thơ Chế Lan Viên. Nhiều thế hệ học sinh đã biết đến tên tuổi ông qua bài thơ “Người đi tìm hình của nước”.

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. (Ảnh: TTXVN )

Nếu nói về tư tưởng, đây là bài thơ có tầm tư tưởng lớn nhất. Nếu nói về cảm xúc, đây là bài thơ có cung bậc cảm xúc cao nhất. Không dễ gì bài thơ đã ăn sâu vào tâm khảm người đọc và có giá trị vĩnh hằng giáo dục cho nhiều thế hệ về lòng yêu nước thương nòi của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre

4 câu thơ mở đầu và cả bài thơ đầy chất liệu sử thi ấy đã dẫn dắt người đọc bằng những hình ảnh rất quen thuộc - cây tre Việt Nam, khi Người rời bến cảng Nhà Rồng để đi tìm đường cứu nước. Và từ đó bôn ba tới Pari - Thủ đô nước Pháp, với cuộc hành trình khắp lục địa Á, Phi, Mỹ... Ở đâu Người cũng vượt lên chính mình bằng nghị lực, bằng bộ óc thông minh, sáng tạo, bằng trái tim yêu nước thương nòi. Người quyết tâm tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Nhân dân thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến.

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên

Nhà thơ Chế Lan Viên. (Ảnh: Internet)

Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” đã nói hộ tâm tư ước vọng của Người trong hành trình đằng đẵng thời gian:

Đêm mơ nước ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh biếc sắc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

Càng day dứt bao nhiêu, Người càng thêm niềm tin và sức mạnh bấy nhiêu. Sức mạnh ấy, niềm tin ấy như cánh chim không mỏi đã giúp Người tìm được ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin:

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi!

Không có gì sung sướng bằng, không có gì hạnh phúc bằng khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Lê-nin đã trở thành lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản trên thế giới. Người vô cùng xúc động: “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin”.

Đọc những câu thơ này, người đọc thấu hiểu sâu sắc hơn cảm xúc thăng hoa, bút pháp tài hoa của Chế Lan Viên. Bởi mỗi nhà thơ đều có cách nhìn, cách cảm khác nhau. Nhà thơ Chế Lan Viên đã vận dụng nhuần nhuyễn tư liệu sống động nhất về cuộc đời hoạt động của Bác. Cơ sở khoa học tạo nên nền tảng cảm xúc!

Nhiều nhà thơ xuýt xoa: Làm được những bài thơ hay về Bác Hồ rất khó. Chỉ có cảm xúc thôi thì chưa đủ mà tìm được tứ thơ mới về Người mới quan trọng. Từ những điều giản dị nhất trong sinh hoạt đời thường của Bác như đôi dép cao su, chiếc áo ka ki, đến chiếc gậy đi đường… tất cả đều có thể viết thành thơ. Nhưng từ những bài thơ ấy gieo vào lòng người đọc như thế nào để họ hiểu rằng “Bác vĩ đại chẳng làm ai kinh ngạc” đó là điều không phải ai cũng thành công. Riêng nhà thơ Chế Lan Viên không chỉ thành công khi viết về những điều gần gũi đó, ông còn đi xa hơn nhiều, đó là tính phổ quát lớn thông qua hình ảnh Bác Hồ. Ông đã nói với họ niềm tin và lời tri ân sâu sắc của Nhân dân về vị lãnh tụ suốt đời chỉ biết hy sinh và cống hiến cho dân tộc.

Từ bài thơ “Bữa cơm thường trong bản nhỏ” tác giả dùng những ngôn ngữ, hình ảnh chân thật như cái bụng của người miền núi:

Từ có Bác cuộc đời chợt sáng

Bát cơm thơm tháng tám ngày ba

Cơm thơm ăn với cá kho

Công đức Bác Hồ bản nhớ ngàn năm.

Nếu nói về tình yêu Tổ quốc, tình yêu Đảng và tình yêu lãnh tụ, đặc biệt là Bác Hồ có lẽ ít ai bằng Chế Lan Viên. Tôi còn nhớ năm 1976, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ Hoa trước lăng Người, được nhà thơ tuyển chọn khoảng 50 bài thơ đặc sắc nhất. Từ mở đầu bài thơ Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi đến kết thúc tập thơ là bài Di chúc của Người, tác giả sử dụng bút pháp khá đa dạng. Dẫu một số bài thơ mang màu sắc chính luận nhưng vẫn thấm đẫm triết lý nhân văn. Khác với nhiều nhà thơ, hơi thở trong thơ Chế Lan Viên bao giờ cũng khỏe khoắn và lạc quan, hào sảng, nó được chia ra 2 mạch cảm xúc khác nhau. Ở góc độ bài thơ này, nhà thơ rung động bằng cảm xúc chân thành, ở góc độ khác lại đậm chất triết học mang tư tưởng thời đại.

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên

Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. (Ảnh tư liệu).

Bài thơ Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi là một điển hình nội tâm của tác giả. Tác giả đã tự nhìn lại mình, tự “lột xác” để đi theo cách mạng. Không chỉ có nhà thơ Chế Lan Viên mà cả một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo thời bấy giờ đã được cách mạng thức tỉnh. Được Đảng và Bác Hồ nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và họ sớm trở thành những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, tác phẩm của họ trở thành vũ khí sắc bén góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng. Chế Lan Viên tự sám hối mình, nhưng lời sám hối riêng của nhà thơ đã trở thành lời sám hối chung cho những văn nghệ sĩ chỉ quen sống với “cái tôi” của mình:

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp

Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ

*

Đất nước đổi thay rồi mà ta chẳng biết

Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn

không hay

Tôi vẫn khép cửa phòng văn hì hục viết

Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày

Lời tự bạch của Chế Lan Viên chính là lời bộc trực thẳng thắn nhất, khi ông đã trở thành người cộng sản và thấm được nguyên lý: văn học là vũ khí đấu tranh giai cấp, chứ không phải thi sĩ là “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Các văn nghệ sĩ khi đã hóa thân thành chiến sĩ cách mạng và sáng tạo ra những tác phẩm có ích cho cách mạng thì buộc họ phải cùng nếm trải gian khổ và hy sinh với Nhân dân:

Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà

không sợ lửa

Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy

là ngon

Khi riêng tây, ta biết mình xấu hổ

Khi nhìn đời mỗi lá mỗi tơ non

Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên

Bức tranh "Đêm nay Bác thao thức" (Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Cao Thương).

“Nhìn đời mỗi lá mỗi tơ nơn” đấy là sự đánh thức về tư tưởng của các nhà văn, nhà thơ, trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên. Họ dám tự hào khi đã được rũ bỏ quá khứ mơ hồ để bước sang một chân trời mới của văn học nghệ thuật với đại lộ thênh thang “Dân tộc, khoa học, đại chúng” theo cương lĩnh văn hóa - văn nghệ của Đảng vạch ra.

Đọc lại những bài thơ Chế Lan Viên viết về Bác Hồ, tôi thực sự khâm phục ông - một nhà thơ không chỉ có tầm vóc lớn của thời đại về trí tuệ mà còn là một nhà tư tưởng lớn, một chiến sĩ trung kiên của cách mạng. Những tác phẩm của ông viết về Bác Hồ mãi mãi vẫn là tinh hoa của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast