Nhớ thương Hòn Đất ấm tên người

(Baohatinh.vn) - Cuối cùng, sau bao nỗ lực và quyết tâm, với khát khao cháy bỏng, chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất Kiên Giang, nơi có địa danh Hòn Đất nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức mà một thời thế hệ chúng tôi ai cũng thuộc nằm lòng. Từ TP Rạch Giá đi về hướng Tây 40 km, cả vùng Hòn Đất hiện lên trong sum suê cây trái, vòi vọi những thân dừa. Cảm giác thân thương và trìu mến như được trở về quê hương của mình.

Dọc đường đất nước

>> Đường về Đất Mũi

nho thuong hon dat am ten nguoi

Đường vào Khu di tích Hòn Đất

Hòn Đất - hang Quân dân y và chuyện về y tá Nguyễn Tấn Dũng

Khu vực Hòn Đất có 3 ngọn núi nhỏ nổi lên giữa vùng đồng bằng, đó là Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo (Ba Hòn). Hòn Đất và Hòn Me thuộc xã Thổ Sơn, huyện Châu Thành A, tỉnh Rạch Giá (nay đổi thành huyện Hòn Đất, Kiên Giang). 3 ngọn núi này tạo thành thế kiềng 3 chân, lại nằm ở điểm kết thúc của con đường bộ chiến lược 1C, chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy, tiếp tế cho quân ta ở khu vực rừng U Minh Thượng.

Trên Hòn Đất có 7 hang thông với nhau, có tên gọi riêng và đều có lỗ thông gió lên đỉnh, lại có những con suối nhỏ nên rất thuận lợi cho quân ta đóng ở đây để chiến đấu với địch. Nếu địch có xông hơi cay và hơi độc vào thì gió từ trên đỉnh hang sẽ thổi quật trở lại (chi tiết này được miêu tả rất rõ trong “Hòn Đất”). Đó cũng là lý do Tỉnh ủy Kiên Giang chọn Hòn Đất làm hang Quân dân y. Đây cũng là nơi diễn ra 3 trận đánh lớn: trận 11 ngày đêm năm 1962, trận 78 ngày đêm năm 1969 và trận 132 ngày đêm năm 1971.

nho thuong hon dat am ten nguoi

Tượng đài Chiến thắng trong Khu di tích Hòn Đất. Ảnh minh họa từ internet

Theo chân anh Nguyễn Duy Thanh - cán bộ BQL Khu di tích, chúng tôi xuống hang Hòn. Đây là bàn mổ, đây là nơi nghỉ của thương binh, đây là bình nước rửa tay trước khi mổ. Chính chỗ này, y tá Nguyễn Tấn Dũng (sau này là Thủ tướng Chính phủ), trong tình thế cấp bách đã mổ để cứu y sỹ Ba Đông bị thương nặng. Ở trên, địch vẫn càn, trong hang rất tối, kíp mổ phải lấy đôi dép cao su cắt thành sợi đốt lên làm ánh sáng, 2 chiến sĩ của ta mạo hiểm ra khỏi hang lấy 2 quả dừa làm dịch truyền, không thuốc gây tê, không thuốc gây mê, kháng sinh thiếu, vậy mà, bác Ba Đông vẫn sống đến giờ - anh Thanh hào hứng kể. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại hang Quân dân y, đã có 300 cán bộ, chiến sỹ ta hy sinh. Chị Phan Thị Ràng (nhân vật chị Sứ) hy sinh ở trận đánh năm 1962.

Phan Thị Ràng - từ trang đời oanh liệt

Chị Phan Thị Ràng, bí danh Tư Phụng, sinh năm 1937, quê ở Lương Phi, Tri Tôn, An Giang. 13 tuổi chị đã tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc. Ba mẹ chị sinh được 6 anh em: Hai Rõ, Ba Tỏ, Tư Ràng, Năm Du, Sáu Mì, Bình Sơn. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ba chị tập kết ra Bắc, gia đình chia đôi: chị cùng mẹ lúc đó đang có mang em út phải ở lại.

nho thuong hon dat am ten nguoi

Chị Phan Thị Ràng

Năm 1958, chị làm trinh sát ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang). Sau 2 tháng hoạt động ở Tri Tôn bị lộ, chị phải chuyển sang Kiên Giang rồi lại phải tạm lánh sang Căm-pu-chia một thời gian mới chuyển về Bình Sơn, Hòn Đất hoạt động. Tại đây, chị làm công tác thanh vận và giao liên. Năm 1959, chị đi học lớp cô đỡ để phục vụ cho Trạm Quân dân y, chuẩn bị hoạt động công khai. Năm 1960, miền Nam đồng khởi, tổ chức giao chị phụ trách thanh niên phá lộ để ngăn cản đường hành quân của địch.

Chị lãnh đạo 3 cuộc biểu tình của nhân dân với tỉnh trưởng để gây sức ép cho chính quyền địch. Biết chị là người đứng đầu, địch tìm cách để bắt chị, chị nhanh chóng rút lui vào Hòn Đất. Tháng 1/1962, địch huy động 2.000 quân từ 3 hướng, cả bộ binh, không quân và ca nô chạy dọc bờ biển bao vây Hòn Đất. 21 người với 7 khẩu súng, 30 quả lựu đạn và bàn chông phải đối đầu với 2.000 lính vũ khí tối tân. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tám Quýt, ta rút sâu vào trong hang. Địch đóng ngoài hang cả ngày lẫn đêm, lại đầu độc suối Lươn nên quân ta vừa đói, vừa khát. Người khỏe mạnh phải lên núi hái rau rừng, khẩu phần lương thực ít ỏi dành cho thương binh và trẻ nhỏ. Đây là chi tiết mà tác phẩm “Hòn Đất” đã miêu tả hết sức chân thực.

Thắp một tuần nhang trên bia mộ các chiến sỹ quân dân y và trên phần mộ chị Ràng, chúng tôi lặng người trong lời kể của anh Thanh: Vào khoảng 1h sáng 8/1/1962, chị Tư Phụng ra khỏi hang để đi họp. Chị đi trước, 2 người nữa đi sau. Địch bắt giữ chị lại, biết ý, chị hô to: “Tôi đi buôn gạo, sao các người lại bắt tôi?”, 2 người sau nghe tiếng chị liền trốn thoát. Sáng hôm sau, chị cùng nhiều người khác bị dồn vào một góc sân. Chị vẫn một mực nói là đi buôn gạo, chúng định thả chị ra. Vừa lúc đó, đại úy Khen về. (Khen là nguyên mẫu của nhân vật Xăm trong “Hòn Đất”). Khen vốn cũng là người của ta, sau đó theo giặc. Nhận ra “người cũ”, Khen giữ chị lại và cho lính đánh đập, tra tấn chị dã man.

Suốt một buổi sáng, chúng rẽ mái tóc dài chấm gót mà chị thường búi sau ót, dùng tóc buộc chị vào gốc cây xoài dưới chân Hòn Đất rồi lấy báng súng đánh đập. Máu chị chảy ướt đẫm dưới chân nhưng gương mặt vẫn rắn rỏi, bình thản, không một lời rên la. Chúng lại lấy nước xà phòng đổ vào miệng bắt chị uống rồi kéo chị đi quanh làng, vừa đi, vừa tra tấn nhằm uy hiếp quần chúng. Chị vẫn hô hào quần chúng, vạch trần âm mưu giặc” - giọng anh Thanh nghẹn ngào.

Không lung lay được tinh thần chị, chúng đưa chị về lại chân núi Hòn, tiếp tục tra tấn dã man. Chúng lấy cọc nhọn đâm vào khắp người chị, xẻo vú, cắt tai, rồi buộc tóc chị treo lên thân dừa lủng lẳng. Đến 2h chiều thì chị hy sinh. Địch cài mìn xung quanh phục kích nhằm tiêu diệt quân ta đến lấy xác chị. 3 ngày sau, chúng hạ chị xuống rồi bỏ đi. Đồng đội đã đưa thi thể chị về mai táng, dẫu không còn nguyên vẹn. Điều kỳ lạ là sau bao trận càn và B52 của địch, ngôi mộ chị vẫn không hề hấn gì. Cảm phục tấm gương hy sinh của chị, mỗi người dân qua đây đều góp thêm một hòn đá, hòn đất, theo tháng năm, ngôi mộ chị ngày càng được tôn cao.

nho thuong hon dat am ten nguoi

Tác giả cùng đồng nghiệp tác nghiệp dưới hang Hòn

Đến nhân vật chị Sứ trong “Hòn Đất”

Nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái) hoạt động cách mạng ở khu vực miền Tây Nam bộ nên nhiều lần được nghe bộ đội qua lại kể về cuộc chiến Hòn Đất. Đặc biệt là khi gặp được Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang hồi đó - ông Tám Quýt, được nghe tường tận cuộc chiến ở Hòn Đất, năm 1964, ông bắt tay viết “Hòn Đất”. Tác phẩm viết xong năm 1965, xuất bản 1966. Sau đó, nhà văn mới về Hòn Đất. Dù vậy, các nhân vật lấy từ nguyên mẫu cuộc chiến gồm: chị Sứ, anh San - người yêu chị Sứ, má Sáu, Xăm, Cà Mỵ, Hai Thép… cùng các nhân vật xây dựng hoàn toàn như Ba Rèn, Quyên, Ngạn, bà Cà Xợi, bé Thúy - con chị Sứ… đã làm cho cuộc đấu tranh, tâm hồn và khí phách người cộng sản cũng như nhân dân Hòn Đất hiện lên chân thực, sinh động. Tác phẩm ra đời đã nhanh chóng thổi luồng gió cách mạng vào thế hệ trẻ cả nước, thúc giục thanh niên lên đường đánh Mỹ. “Hòn Đất” đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng và những trang văn vẫn còn sống động trong tâm khảm nhiều người.

Nhân vật San, tên thật là Nguyễn Vinh Quang, bí danh Bảy Thành, thư ký công binh xưởng ngày xưa đóng quân trong nhà chị ở An Giang. Anh Quang và chị đã hứa hôn với nhau nhưng rồi anh tập kết ra Bắc. Sau ngày giải phóng, anh trở về Nam và kết hôn với một chị cũng là cán bộ phụ nữ ở Ba Hòn. Anh từng làm Bí thư Quận ủy Quận 4 - TP Hồ Chí Minh, nay đã nghỉ hưu. Năm 1968, đại úy Khen (nhân vặt Xăm) do tính cách ngông cuồng và nghênh ngang đã bị quân ta dùng mẹo bắt sống ở Rạch Giá - Hà Tiên.

Ông Phan Bình Sơn - em út chị Tư Ràng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang nay nghỉ hưu ở Long Xuyên cho chúng tôi biết: “Ngày chị Tư mất, cả nhà tôi đều ở An Giang, 1 tuần sau, mọi người mới biết. Sau mấy năm, gia đình mới sang Kiên Giang thăm mộ chị và ngày giỗ chị 9/1 hàng năm, tất cả anh em đều sang thắp hương cho chị. Chị tôi đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Má tôi ở An Giang cũng đi đầu trong các cuộc biểu tình chống chế độ Mỹ ngụy và mất năm 2001”. Ngày giỗ chị Sứ đã thành ngày lễ lớn của nhân dân Kiên Giang, An Giang.

Sức sống Hòn Đất

Từ trên đỉnh Hòn Đất, chúng tôi nhìn bao quát một lượt vùng Ba Hòn rộng lớn. Mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu của những người con anh hùng như chị Sứ, em Kiến (14 tuổi), má Phức (60 tuổi) và các liệt sỹ nên hôm nay, vùng đất này đã đơm hoa, kết trái. Những ngôi nhà cao tầng ngói đỏ nằm lẫn giữa màu xanh sum suê của xoài cát Hòa Lộc, dừa và ruộng lúa, nương rẫy. Khu di tích Hòn Đất được xây dựng, hoàn thiện năm 2000 với hệ thống hang và khuôn viên rộng 5,2 ha. Quân dân y thị xã Rạch Giá và Châu Thành A cũ được công nhận Anh hùng LLVT nhân dân. Khu di tích Hòn Đất được công nhận là Di tích quốc gia, mỗi tháng đón 5.000 lượt du khách.

Chia tay Hòn Đất, lòng chúng tôi lưu luyến không rời. Mua ít ký xoài cát Hòa Lộc để thấm thía thêm nguồn cội vị ngọt hoa trái nơi đây, chúng tôi đồng nhất gọi là xoài chị Sứ. Trong nắng hạ, dưới trời xanh thăm thẳm, ngoảnh lại nhìn, Hòn Đất vẫn đứng đó, kiên trung và can trường, mặc cho bao đạn lửa, nắng mưa và bão tố, lặng lẽ ôm ấp linh hồn những người con bất tử. Xa xa, “Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang vỗ sóng, mênh mang một màu xanh lục… Khi sóng âu yếm vỗ bờ,… dưới chân bãi tre như có một đường viền bằng ren, thỉnh thoảng lại dợn lên”(*). Đó chính là những con sóng yêu thương và nhân từ, bồi đắp sức mạnh cho mảnh đất Kiên Giang anh dũng, kiên cường.

______

(*) Trích “Hòn Đất” - Anh Đức.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast