Những đứa gái mùa Covid

(Baohatinh.vn) - Nghĩ đời đứa gái Mông cũng thật lạ, tự nhiên chả quen với thằng chồng này, bố mẹ bảo sang nhà nó làm dâu, ờ thì sang. Làm dâu thì cũng là làm, là ăn, nhà nào cũng như nhà mình cả.

Như cái Dở ấy, nhà nó ở tận Niêm Tòng, về nhà mình ở chưa cưới xin gì, bố mẹ mới chỉ đặt ba đồng bạc để nhận dâu thôi. Bố nó đòi ba mươi triệu thì mới cho cưới, chưa có tiền thì nó sang nhà mình ở với thằng em trai Dí, khi nào đủ tiền thì cưới. Bố mẹ nó đồng ý dễ thế là vì mẹ mình với mẹ nó là hai chị em con bác con dì, đẻ con ra là hai họ khác nhau rồi nên có thể làm chồng vợ với nhau được.

Những đứa gái mùa Covid

Minh hoạ của Huy Tùng

Hai đứa được gọi là vợ chồng cả năm rồi nhưng chưa bao giờ đi cùng nhau, chưa ăn cùng mâm, chưa ngồi cùng bàn, chưa nằm cùng giường. Mình biết hai đứa chả thích gì nhau, chỉ là người lớn bảo lấy nhau thì lấy thôi. Hôm nọ bác Sinh trêu: “Dở à, mày về nhà này để đi làm cùng chị chồng à?”. Nó không trả lời. Mình cũng không trả lời, bởi đáng lý ra, vợ chồng Mông thì đi đâu, làm gì cũng vợ đi trước, chồng đi sau, thằng trai Mông đi cày đi theo vợ, đi chợ dắt vợ theo, thế mà thằng Dí toàn đi một mình, để con Dở đi làm nương với chị chồng.

Tưởng nó ngoan thế hóa ra không phải. Tự nhiên một hôm nó biến mất không một dấu vết gì. Cả bản đi tìm, báo công an, báo biên phòng, sang cả Niêm Tòng nhà bố mẹ đẻ nó cũng không thấy. Bố mẹ nó cũng không biết tại sao nó bỏ đi, cũng không khóc lóc đòi con gì cả. Bố nó bảo: “Nó làm con nhà ông rồi thì nhà ông đi tìm thôi. Nhưng nếu không tìm thấy thì nhà tôi cũng không lấy ba mươi triệu làm cưới nữa đâu”. Thế là mình lại đèo bố về.

- Chắc là nó sang bên kia rồi, nó không thích thằng Dí nhà mình đâu bố ạ.

- Thế nó không ở nhà mình nữa thì mất ba đồng bạc đặt lễ à?

- Thôi, nó ở cả năm nay, làm việc cho nhà mình, thế cũng là được.

- Ơ, nó làm thì ăn mất vào bụng rồi còn gì nữa.

Tiếc thì tiếc thế, chứ bố cũng không đi đòi đâu được ba đồng. Nó đang ở nhà mình thì đi mất chứ có phải về nhà nó đâu. Bố lại bảo: “Thế giờ thằng Dí thích con nào thì cho nó lấy thôi. Chứ con thì đi làm dâu nhà họ Giàng rồi, mấy nữa con Chở cũng đi làm dâu nữa thì nhà không có người làm”. Mình cũng chả lo được việc ấy.

Tuy là làm dâu nhà họ Giàng, nhưng hai nhà gần nhau nên vẫn về nhà giúp việc nhà được. Vì thằng chồng mình không ở nhà nên cũng không bảo mình làm việc này việc kia, bà mẹ chồng thì suốt ngày chỉ thích đi chơi nhà này nhà kia. Với lại nương nhà này ít, bò, dê không có nên cũng không bận lắm. Đến mùa đông thì chỉ có ngồi quanh bếp lửa chứ cũng không có việc gì làm.

Những đứa gái mùa Covid

Mùa đông quây quần bên bếp lửa. Ảnh Internet

- Xin thông báo cho bà con, hiện nay có một loại vi-rút tên là Corona. Nó làm cho con người bị ho, sốt, đau họng, giống như cảm cúm, nhưng nó độc hơn cảm cúm nhiều, có thể gây chết người. Nó lây từ người sang người nên cần cẩn thận phòng bệnh cho tốt như phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và cần cách xa nhau hai mét. Hiện nay nó đang lây lan rất nhanh. Ai từ bên Trung Quốc về cần khai báo với y tế để được đưa đi cách ly phòng bệnh lây lan. Hôm nay, lực lượng biên phòng đã phát hiện một nhóm người nhập cư trái phép và đã đưa đến trạm y tế xã cách ly, chủ yếu là người Mông đi lao động bên kia và bị trả về. Vậy đề nghị bà con phòng bệnh cho thật tốt.

Anh văn hóa xã đèo cái loa đi khắp các bản phát thông báo ấy. Giờ thì biên phòng chặn hết các đường mòn lối mở để ngăn không cho ai đi qua, đi lại biên giới rồi. Mà bên kia còn dịch bệnh hơn bên này, sang bên ấy có khi chết sớm í chứ, thôi cứ ở nhà đã. Kể ra thì số mình còn may, bị lừa bán sang bên kia lại gặp được chồng tốt.

Cái Chở cũng may. Mà chả phải may, mình đã chọn mãi mới ưng được một nhà cũng kha khá, trông thằng ấy cũng đẹp trai, lại là người Mông nên mới bán nó vào nhà ấy. Hai chị em vừa xin được hai thằng chồng cho về quê ăn tết thì lại gặp ngay dịch bệnh như này thì chưa biết bao giờ mới sang được bên ấy nữa. Không biết chồng con bên kia có bị dịch bệnh không, kể cũng lo lo…

- Chị Dia đưa cho tôi hai mươi lăm triệu để tôi cho bố sửa cái mái nhà, nhân lúc đang dịch bệnh, ở đây để giúp bố luôn.

- Tiền gì? Sao lại chị đưa?

- Tiền chị bán tôi ấy.

- Hả???

- Chị tưởng tôi không biết à? Chồng tôi nói hết rồi.

- Không phải đâu.

- Giờ tôi cũng là đàn bà có chồng rồi, đang mang đứa con trong bụng đây này. Tôi đủ hiểu năm ngoái chị đã làm gì với tôi. Tôi thương chị vất vả mới đồng ý sang bên kia trông con cho chị. Ai ngờ chị ác quá, chị lại dám bán cả em gái mình.

- Em nói cái gì?

- Mẹ bán chị lấy tiền uống rượu. Ai cũng biết. Chị bị bán mà còn không thương người khác, lại còn lừa cả em gái mình để bán. Chị ác như mẹ. Cho nên tôi chỉ thương bố thôi. Chị đưa tiền bán tôi để làm lại cái mái nhà cho bố đỡ khổ.

- Nhầm rồi! Mẹ không bán chị mà là mẹ chồng bán chị.

- Chị không lừa được tôi nữa đâu.

- Không tin à? Mẹ bán chị mà chị vẫn về cái nhà này à? Chị kể cho mà nghe: “Hôm trời mưa, chả có việc gì làm, chị ngồi ở bậu cửa thì mẹ chồng chị an ủi: “Con dâu à, mày đừng buồn. Thằng Sình đi thì sẽ biết đường về thôi.

- Thế bao giờ nó về?

- Cũng không biết, chắc khi nào có tiền nó sẽ về lo cho cái nhà này đỡ khổ.

- Thế con cứ ở đây làm con rùa nhà mẹ à?

- Hay con đi tìm nó xem sao!

Mẹ chồng chị nói như đùa. Thằng chồng chị đi sang bên kia làm ăn thì biết thế nào mà tìm. Nghĩ đã tức, tự nhiên lại phải sang nhà nó làm dâu. Nó chả thích mình thì mới bỏ đi thế thôi. Nó đi thì sướng rồi, còn chị cứ phải ở nhà nó với bà mẹ chồng cứ thích đi chơi thì buồn chán chết đi được.

Những đứa gái mùa Covid

Những đứa gái mùa Covid. Ảnh Internet

Thế mà một hôm bà ấy đưa cho chị cái điện thoại bảo để có cái cho thằng Sình gọi điện về. Ô, tự nhiên nó lại biết mà gọi à? Lạ thật. Nhưng cũng chẳng sao, đang buồn thì có cái để chơi. Thế mà nó gọi về thật. Nó bảo đang làm thuê bên kia, người chủ bảo có vợ thì bảo vợ sang làm cùng. Thế là chị đi theo nó chỉ dẫn. Nhưng không phải, sang đến bên kia thì biết bà mẹ chồng bán chị cho thằng chồng bây giờ đấy.

Mà cũng chả phải riêng bà ấy bán đâu, cả thằng Sình cùng lừa chị bán đấy. Thế nên bà ấy biết chị về nhà mình cũng có sang bắt chị về bên ấy đâu. Chị thấy thằng Sình cũng về đấy. Nó về đi tán gái mà không để mắt đến chị. Hôm kia nó đón gặp chị, bảo là đừng tố cáo mẹ con nó, vì chị đã tìm được thằng chồng tốt hơn nó rồi.

- Thế chị đồng ý à? Chị không tố cáo thì hai mẹ con nó lại lừa nhiều người nữa đấy. Không phải ai cũng được may mắn như chị đâu.

- Thôi, chị mà đi tố cáo nó thì nó lại tố cáo chị cũng bán mày à?

- À, cũng khó nhỉ. Thôi không nói chuyện đó nữa. Vì mình chưa tìm cách gì hợp lý lúc này cả. Đang dịch bệnh như này, không làm được gì cả. Nhưng mà chị vẫn phải đưa cho tôi hai mươi lăm triệu để sửa mái nhà đã.

- Được, sẽ bảo thằng chồng chị đưa cho nhưng phải sang được bên kia đã thì mới có tiền chứ. Giờ bệnh dịch tràn lan như này thì lấy đâu ra tiền.

- Đành vậy. À mà con Dở vợ cũ của thằng Dí nhà mình vừa bị biên phòng bắt được lúc nó đang vượt biên trái phép ở chỗ xóm Chúng Pả đấy.

- Ô, thế hóa ra con Dở cũng trốn sang bên kia à?

- Tôi đoán thừa là nó sang bên kia từ lâu rồi. Chỉ là không biết nó tự đi hay cũng bị lừa bán thôi.

- Thôi đi, cái mồm mày, lúc nào cũng bán với chả mua.

- Chị sợ à?

Những đứa gái mùa Covid

Người Hà Giang đeo khẩu trang phòng, chống dịch. Ảnh Internet

Chán thật. Trời thì rét, chả làm được gì, bệnh dịch thì tràn lan, cả bản, cả xã bị cách ly. Con Dở bị cách ly tập trung ở trạm y tế xã, rồi lại bị đưa xuống bệnh viện huyện cách ly vì nó bị nhiễm con vi-rút Corona. Mọi người bảo nó mang con vi-rút từ bên kia về. Nó về với mấy người, bị bắt cùng nhau, không biết mấy người kia có bị lây từ nó không nữa.

- Bà Say, bà Say! Đi đâu về mà vác cái gì nặng thế? Đưa cháu vác cho.

- Tránh ra, tránh ra. Mày không được đến gần tao, cách tao hai mét ra. Mày không đeo khẩu trang thì càng xa càng tốt. Mày ngồi đây làm gì mà không đeo khẩu trang vào? Mà mày không đi cách ly như con Dở à? Mày cũng từ bên kia về cơ mà.

- Nó mới về thì mới phải đi cách ly chứ cháu về từ lâu rồi không sao đâu.

- Nhưng mà mày cứ tránh xa tao ra. Tao già rồi, còn ba đứa trẻ con nữa, tao chết thì không ai nuôi chúng nó. Ôi, mệt quá! Tao nghỉ đã.

- Bà vác gạo à?

- Ờ, gạo và muối, cả nước mắm nữa. Thế mày không đi lấy cho nhà mày à?

- Lấy ở đâu?

- Ở trụ sở thôn ấy. Từ hôm bị cách ly thì nhà nào trong thôn này cũng được Nhà nước hỗ trợ. Mày đi lấy đi, nhớ đeo khẩu trang vào thì người ta mới cho đấy. May quá!

- Ai may bà?

- Nhà tao may chứ còn ai nữa. May mà có Nhà nước cho chứ không bốn bà cháu tao chết đói vì cách ly, trẻ con không đi học thì không được ăn, ngủ ở trường. Từ hôm con Dở bị nhiễm cái con vi-rút ấy thì mới được đấy. Ài, mày đừng có chửi thầm tao nhá. Tao già rồi, không làm được gì nuôi ba đứa trẻ, bố mẹ nó đi sang bên kia mãi không thấy về, cũng không gửi tiền về nuôi chúng nó thì cái thân già này biết làm thế nào.

Kể ra thì thương bốn bà cháu bà Say thật! Con trai với con dâu đi mãi không thấy về. Bình thường thì bọn trẻ con đi học được ăn, ngủ ở trường thì bà lão đỡ phải lo cái ăn cái mặc, giờ cách ly thế này thì khổ quá. “Bà Say, bà Say! Bà để đấy, cứ đi trước đi, cháu cõng gạo về sau cho, cách nhau hai mét là được nhé!”.

- Ờ được! Mày cõng hộ bà, rồi thì xuống trụ sở thôn mà lấy phần của nhà mày nhá.

- Cháu không lấy đâu. Nhà cháu đủ ăn rồi, để phần đó cho mấy nhà nghèo hơn ở góc bản kia thôi.

- Chả biết con vi-rút này hành đến bao giờ, không khéo chết đói hết.

- Không sao đâu, Nhà nước hỗ trợ tất cả mọi người mà bà.

- Ừ, bọn mày đừng có trốn sang bên kia làm ăn nữa nhé. Sợ lắm.

- Vâng, không đi nữa đâu bà ạ, sang bên ấy sợ lắm.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp đã sẵn sàng khai hỏa vào tối nay (27/12) tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) sau khi kết thúc Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện lên như một ngọn đuốc sáng rọi, vượt lên cả thời gian và biên giới, điểm tô cho văn hóa nhân loại bằng sự nghiệp văn chương bất hủ và những di sản chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhịp võng của tre

Nhịp võng của tre

Những thanh tre liên kết với nhau thật uyển chuyển trên lối đi đầy màu sắc, đưa dòng người theo đạo ở Hà Tĩnh và du khách gần xa vào những cung đường huyền bí của hang Bê-lem.
Podcast truyện ngắn: Một ngày đã qua

Podcast truyện ngắn: Một ngày đã qua

Bất giác tôi ôm lồng ngực. Một cảm giác đau nhói sộc lên mũi làm tôi ngồi thụp xuống. Khánh cuống quýt xốc tôi chạy về phòng. Anh chạy ngược nắng, cả khuôn mặt nhuốm đỏ...
Podcast tản văn: Bếp xưa dĩ vãng

Podcast tản văn: Bếp xưa dĩ vãng

Con người ta càng lớn tuổi càng hoài niệm quá khứ. Có những thứ không dưng mà cũng khiến lòng ta bùi ngùi thương nhớ, đôi khi đơn giản như gian bếp ngày xưa…
Sắc vóc 'Mỹ nhân của năm 2024'

Sắc vóc 'Mỹ nhân của năm 2024'

Hoa hậu Thanh Thủy - "Mỹ nhân của năm 2024" do độc giả Ngôi Sao bình chọn - có khuôn mặt trái xoan, cao 1,76m, vóc dáng gợi cảm.