Sang đông...

(Baohatinh.vn) - Khi những cơn gió ràn rạt từ phía Đông Bắc mang theo những hạt mưa lắc rắc trong không gian màu chì khiến những cành cây, ngọn cỏ nghiêng ngả cùng cái se sắt, hanh hao rất đặc trưng, ấy là khi mỗi người đều cảm nhận: mùa đông đang về!

Sang đông...

Ban mai ở thành phố Hà Tĩnh (ảnh: Nguyễn Thanh Hải).

Bập bùng ký ức

Trong bảng 24 tiết khí tại Bắc bán cầu theo quan điểm của người phương Đông, tiết Sương giáng từ ngày 23 hoặc 24/10 đến ngày 7/11; tiết Lập đông bắt đầu từ ngày 7 hoặc 8/11 đến 22/11, sau đó đến tiết Tiểu tuyết. Tiết Sương giáng, trời chỉ hơi lạnh khi sương rơi nhiều vào đêm. Đến ngày 7 hoặc 8/11 tới mới đến tiết Lập đông, đất trời, vạn vật mới chính thức chuyển vào mùa đông với cái lạnh đầu mùa se sắt. Những chiếc áo ấm vừa đủ được thay cho những chiếc áo khoác mỏng, khăn choàng nhẹ. Và lòng người cũng dâng lên bao cảm xúc, lo toan.

Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi… Giã từ mùa thu nhẹ nhàng và trong veo, ai ai cũng chuẩn bị cho mình một tâm thế khi mùa đông đến.

Sang đông...

Người dân Hà Tĩnh khăn len, áo ấm đón đợt rét đầu mùa (ảnh: tư liệu)

Việt Nam nằm ở thềm lục địa Đông Nam Á với khí hậu đặc trưng nhiệt đới ẩm, gió mùa nên thường phải hứng chịu trực tiếp những cơn gió mùa đông bắc, nhất là miền Bắc và miền Trung. Còn nhớ những tháng ngày đất nước khó khăn, người dân còn đói ăn, thiếu mặc, mùa đông đến mang theo cả “núi âu lo” của những người làm cha, làm mẹ. Nào áo ấm quần lành cho đàn con thơ qua một năm đã lớn thêm rất nhiều; nào thức ăn cho cả người và vật nuôi suốt cả một mùa đông dài, dù việc này đã được chuẩn bị từ trong những ngày nắng nỏ. Nào củi và gạo, khoai khô, rau khô, cá khô, cà, nhút… những thứ không thể thiếu cho một gia đình, đặc biệt là gia đình đông con, khi gió lạnh tràn về. Rồi thuốc thang chữa những căn bệnh mãn tính của người già khi trời trở lạnh.

Những bao nilon cất ruột chăn bông, những tấm nệm thủ công, những rương quần áo ấm sẽ được mang ra. Những chiếc dép đã vẹt mòn, những đôi giày cũ kỹ sẽ được thay thế để đảm bảo ấm chân cả một mùa giá rét. Người cha sẽ lo che chắn lại nhà cửa cho ấm áp, tránh gió lùa, che chắn chuồng trại cho gia súc. Người mẹ nhắc con đi xa mang thêm áo ấm, lo bảo vệ trẻ con, người già trước cái giá rét của mùa đông. Hạt giống sẽ được kiểm tra, cất đặt cẩn thận một lần nữa để tránh ẩm mốc, chờ đến ngày gieo xuống…

Sang đông...

Nghe bà kể chuyện bên bếp lửa hồng mùa đông (ảnh: internet).

Người ta nói mùa đông là mùa cất giấu kỷ niệm, bởi khi cái lạnh bủa vây, cùng với áo ấm, chăn bông là hơi ấm tình thân, là những hình ảnh đẹp đẽ khi cả nhà quây quần bên mâm cơm bốc khói, dù chỉ là dưa cà mắm muối nhưng tràn đầy tình yêu thương. Bên bếp lửa hồng, người bà, người mẹ kể cho các con những câu chuyện cổ tích, thần thoại, lời hát ru nhè nhẹ đưa con thơ vào giấc ngủ say nồng. Khi con đã ngủ say, mẹ ngồi đan áo, đan khăn cho con. Để có củi lửa cho suốt mùa đông dài, những người đàn ông của gia đình đã phải lên núi, ra vườn tìm củi khô, gốc tre phơi nắng, chất lên giàn bếp, chờ khi đông đến. Dù có rét mướt, những người bà, người mẹ vẫn cố cấy cho xong dảnh mạ hoặc ngồi ngoài chợ bán cho xong mớ rau, con tép mặc mưa phùn, gió bấc quất vào mặt.

“Kéo áo lên cho kín con, choàng thêm khăn ấm khi đi ra ngoài, không được để cảm lạnh! Thức ăn, nước uống phải nóng. Chân phải nhớ đi tất!”. Vừa xoa hai bàn tay vào cốc nước nóng cho đỡ lạnh, mẹ tôi vừa nhắc. Hình ảnh đó trỗi dậy trong tôi mỗi khi đông đến. Tất bật chợ búa cho mùa đông của đàn con thơ, bên bếp lửa hồng, mẹ tôi vừa nấu nướng, vừa luôn miệng dặn dò. Củi trên giàn đã được mẹ mua chất đầy, áo quần con cái đã tươm tất, mẹ tôi tạm hài lòng. Rồi mẹ ngâm một vài câu Kiều, môi thắm trầu cay, ánh mắt chan chứa hạnh phúc. Dưới mái tranh nghèo, chúng tôi không còn cảm thấy giá lạnh.

Những mùa đông xa xưa ấy của gia đình tôi cũng như nhiều gia đình Việt Nam mấy chục năm trước mãi còn được lưu giữ trong ký ức và tâm hồn của những người con nay tóc đã điểm hoa râm.

Mùa đông không lạnh

Sang đông...

Đông về ở vùng cao Hà Giang.

Những mùa đông giá lạnh, đói ăn, thiếu mặc đã lùi sâu vào dĩ vãng khi đất nước ngày một đổi thay, nhà nhà ấm no, đủ đầy, hạnh phúc. Biết bao nhiêu ngôi nhà “bão dừng sau cánh cửa” trên khắp đất nước. Tiện nghi sưởi ấm, che lạnh không thiếu, từ quạt sưởi, đèn sưởi, quần áo, chăn nệm… Nỗi lo tích trữ mùa đông không còn hiện hữu khi hàng hóa được cung ứng đầy đủ. Phương tiện đi lại ngày càng hiện đại, ô tô là phương tiện thông dụng, không còn là thứ xa xỉ, cao sang. Nhà nông xuống ruộng có quần áo, giày nhựa. Trẻ em đến trường trong những phòng học đủ tiện nghi. Sau cánh cửa là không khí ấm áp của những ngôi nhà, cơ quan, công sở.

Sự biến đổi khí hậu khiến có năm mùa đông rất lạnh, nhưng cũng có năm chỉ rét nhẹ, có năm mưa nhiều, bão lũ vào cuối tháng 10. Sau những trận bão lũ, có những gia đình, làng quê bị bão tàn phá. Nhưng ngay những ngày đầu đông, hơi ấm của tình người “cùng chung một bọc” đã xua tan giá rét của rất nhiều gia đình, sưởi ấm nhiều mảnh đời. Các chương trình thiện nguyện “Áo ấm mùa đông”, các hoạt động tình nguyện giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn bị thiên tai, bão lũ, những ngôi nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm biên cương”, “Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ”, “Nhà ở cho hộ nghèo”, “Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học”… thực sự là những ngọn lửa sưởi ấm bao cuộc đời, làm sáng lên tình nhân ái, nghĩa đồng bào.

Sang đông...

Nông dân Hà Tĩnh sản xuất rau màu vụ đông.

Người sản xuất nông nghiệp tuy vẫn còn khó nhọc bởi sự “đỏng đảnh” của thời tiết, sự khó lường của thiên tai nhưng nhờ ứng dụng khoa học hiện đại, nhờ dự báo thời tiết tốt nên đã có thể phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại. Những nhà lưới, nhà kính, những ruộng mạ phủ nilon giúp giữ ấm và bảo vệ cây trồng khỏi giá rét, sương muối. Rau vụ đông phát triển giúp người nông dân có thêm thu nhập khi nông nhàn. Thương mại điện tử giúp việc mua bán, vận chuyển được dễ dàng. Nhà nông bây giờ cũng không chỉ làm nông mà còn làm thương nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ… nên cuộc sống luôn no ấm, đủ đầy, vui tươi.

Dẫu mùa đông có đủ đầy thì tình thân gia đình mãi mãi vẫn là ngọn lửa ấm trong tâm hồn mỗi người. Tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ với con cái vẫn tròn đầy khi bữa cơm chiều đông ngóng trông cháu con về sum vầy. Những đứa con vẫn luôn tìm về gia đình để được thưởng thức những bữa cơm bình dị mà ấm áp và để được sưởi ấm trong tình mẹ cha bao la.

Nhớ lại những mùa đông nghèo đói xưa, soi chiếu với mùa đông đủ đầy, bình yên hôm nay để thấy cuộc sống đã đi lên, từ đó mỗi người, bên cạnh việc lưu giữ ký ức về tình thân gia đình, cần bồi trúc thêm những tin yêu với Đảng và Chính phủ, với các đoàn thể và cộng đồng xã hội mà gắn bó nhiều hơn với gia đình, đất nước, quê hương.

Chủ đề Thời tiết - Khí hậu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast