“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

(Baohatinh.vn) - Mùa đông - chỉ cần khẽ nhắc vậy thôi là trong tâm tư con người đã dậy lên bao nhiêu thương nhớ. Bởi vậy, trong cảm xúc bốn mùa, nỗi chờ đón mùa đông bao giờ cũng vừa đằm sâu vừa diệu vợi, vừa gói vừa mở, vừa ấm nồng vừa như cô đơn…

“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

Khi lá bàng rũa sang sắc đỏ ấy là mùa đông đã về. Ảnh: Huy Tùng

Khi trong cơn gió đã mang hơi lạnh, lá bàng rũa sang sắc đỏ, ấy là mùa đông đã tới. Dẫu muộn hơn so với những mùa giá rét trong ký ức thì mùa đông vẫn trở về với đầy đủ hương sắc của đất trời.

Tôi vẫn thường hình dung, mùa đông là một chiếc tổ khổng lồ, ươm ủ bao nhiêu là mầm xanh, bao nhiêu là mật ngọt cho mùa xuân, ươm ủ bao nhiêu hạt giống tâm hồn cho đời sống con người. Cứ dõi theo sự sinh chuyển của cỏ cây, của những vườn đào, vườn mai… thì sẽ thấy được thiên nhiên cũng có đời sống riêng.

Phía sau lớp vỏ xù xì đương đầu với gió rét, dòng nhựa vẫn âm thầm chảy. Để mai kia, khi nàng xuân vừa chớm, nắng ấm xuất hiện thì từ đâu đó trên những thô ráp, xù xì ấy bỗng bật lên những nụ mầm xanh tươi.

Đời sống của con người cũng vậy. Mùa đông chính là mùa gói ghém, ươm ủ bao nhiêu điều, cất giữ bao nhiêu điều để khi năm mới tới, có thể mang tới cho đời những gì xuân nồng nhất, đẹp đẽ nhất. Bởi thế mà mặc cho giá rét, mặc cho mưa sa, người nông dân vẫn cần mẫn trên đồng, trên nương rẫy. Và khi mùa xuân tới, lòng người cũng trở nên phơi phới, đầy sắc xuân khi ruộng đồng lên xanh tươi tốt, khi cam quýt trĩu cành, chín mọng…

“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

Mặc cho giá rét, người nông dân vẫn cần mẫn trên đồng...

Chú họ tôi, một người gắn bó cả đời với ruộng vườn, đã nếm trải bao khắc nghiệt của mùa đông nhưng như chú nói, những ngày giá rét là một phần không thể nào thiếu được. Có những mùa đông mang đến nỗi buồn thất bát nhưng cũng chính là mùa chú cảm nhận rõ nhất hơi ấm của tình thân, của láng giềng. Giản dị thôi, bên bếp lửa, bát nước chè xanh, nồi khoai mới chín, láng giềng chia sẻ cho nhau những hạt giống cất đặt từ mùa trước.

Ấm áp lắm, những mùa đông đói rét, người thân trong nhà nhường nhau từng thìa cơm, giành nhau ăn phần khoai độn… Những mùa đông như thế làm sao có thể quên đi được, làm sao có thể không mong ngóng nó trở về để tâm hồn lại thêm một lần được sưởi ấm. Để dẫu bây giờ, đời sống có khấm khá lên, có mua sắm bao nhiêu thiết bị tiện ích thì chú vẫn cứ muốn giữ lấy cái bếp lửa như giữ lại hơi ấm cho mùa đông giá rét…

Với những người làm nghề sáng tác văn học nghệ thuật, mùa đông cũng thật đặc biệt. Mùa đông chính là mùa ươm ủ những “nguyên liệu” mà họ đã “nhặt nhạnh” cất giữ suốt cả một năm trời. Có khi là cả một hành trình dài qua nhiều miền đất, qua nhiều cung bậc cảm xúc, cảnh huống của đời sống. Chỉ cần đợi một sắc trời, một hương vị tác động là có thể “bung nở” trong sự sáng tạo độc đáo.

“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

Một đám lá vàng rơi gợi về bao nhiêu nhung nhớ, cảm xúc để người nghệ sỹ sáng tạo... Ảnh Ánh Dương

Hoạ sỹ Lê Việt Anh - chủ Gallery Mỹ thuật Việt (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Như sự mặc định của đất trời, mỗi ngày lễ, tết trong năm đều gắn liền với thời tiết đặc trưng. Cảm xúc của con người Xứ Nghệ hay miền Bắc sẽ không trọn vẹn nếu đón lễ Noel hoặc tết cổ truyền trong khí hậu nắng nóng. Công việc của tôi cũng vậy, phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Có những tác phẩm tôi chỉ có thể vẽ thật trọn vẹn khi cơn nắng đã dịu xuống, khi những cơn mưa phùn đặc trưng của miền Trung bắt đầu xuất hiện, khi những mùa hoa đã trở về… Cái lạnh đầu mùa đã xuất hiện, tôi cũng bắt đầu dọn lòng, sửa soạn để vẽ tranh tết”.

Người bạn viết của tôi thường ví mùa đông với chiếc lá khổng lồ, gói ghém tất cả hương sắc của ba mùa trước nó để mở ra những hương sắc mới cho một vòng tuần hoàn mới. Bởi vậy, mùa đông thường gắn với những ký ức đằm sâu. Những kỷ niệm với người thân, những phong tục tập quán của cha ông. Bởi vậy, ngoài chuyện viết lách, khi mùa đông đến, bạn tôi vẫn thường làm những việc mà trong ký ức xưa xa của mình ông bà, cha mẹ bạn thường làm.

“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

Mùa đông như “ngủ yên” trên vai thiếu nữ... Ảnh Ánh Dương

Có thể là gieo một luống cúc nhỏ, ươm một củ lay ơn, thược dược, đan một chiếc khăn để tặng ai đó, nấu một món ăn rồi đem tặng người này người nọ… Bạn nói, cảm giác được gieo lên sự sống trong mùa đông khắc nghiệt rất kỳ diệu, cảm giác được truyền đi sự ấm áp giữa người với người cũng khiến tâm hồn bạn giàu có lên rất nhiều.

Tiết trời giá rét cũng níu lòng người chùng lại. Khi gió lạnh về trên phố, ký ức mùi hương của tôi lại dậy lên những món ăn dân dã mà mẹ tôi thường làm mỗi độ đông về. Đó có thể là nồi tro om xổi, vại mắm cua đồng thơm lừng hương đồng nội, lọ hành tăm muối kỹ…

Tôi nhớ những sáng mùa đông, mâm cơm của gia đình tôi lúc nào cũng thơm mùi khói bếp. Ấm ấp vô chừng. Đâu chỉ riêng tôi, chắc hẳn là cả bạn nữa, những người cùng thế hệ với tôi đâu dễ quên đi cái mùi khói đậm đặc vị quê đã mọc rễ thật sâu trong tâm thức ấy. Đó là mùi của những tháng năm nhọc nhằn, của những ngày tháng trong trẻo, yên bình…

“Và cơn gió mang mùa đông tới”…

Mùa đông cũng như bừng thức trên đôi tay người nông dân.

Năm nay, mùa đông đến muộn và kéo dài, tần suất các đợt rét dày hơn. Thêm vào đó, các loại dịch bệnh ở người và cây trồng, vật nuôi vẫn đang tiếp tục hoành hành. Mùa đông vì thế cũng là một phép thử đối với ý chí, khát vọng vươn lên của con người.

Trên phố xá, trên những cánh đồng, nương rẫy, ngoài khơi xa, vạn vật và con người đang hối hả gói buộc lại hành trình của năm cũ để chuẩn bị đón chào xuân mới. Và trong mỗi sinh chuyển, mỗi hành động, ta đều cảm nhận được dòng nhựa nóng căng tràn trong lặng lẽ, như dòng mạch ấm áp ẩn sâu trong buốt lạnh mùa đông… Để khi xuân ngời lên trong nắng mới, mùa đông đã hoàn tất sứ mệnh ươm ủ của mình, dâng tặng cho đời những giá trị đẹp đẽ nhất.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.