Video: Thu hoạch mật ong tại trang trại của anh Nguyễn Phi Long
Trang trại của anh Nguyễn Phi Long (thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián) nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, khá phong phú các loại hoa thơm, cỏ lạ, thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật.
Anh Long chia sẻ: Tôi có thời gian du học ở Úc, thấy người dân thường sử dụng mật ong để nâng cao sức đề kháng và chữa một số bệnh cảm cúm thông thường. Nhận thấy mật ong vừa là thuốc vừa là thực phẩm hoàn hảo nên tôi đã "nuôi" ý định về nước khởi nghiệp đầu tư nuôi ong lấy mật. Năm 2018, tôi về nước và bỏ vốn mua trang trại trồng cây, nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế gia đình".
Năm 2020, anh bắt tay vào nuôi ong thử nghiệm với 15 đàn ong giống đầu tiên.
Thời gian đầu, đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt. Thế nhưng, “vạn sự khởi đầu nan”, không lâu sau đó, đàn ong của anh Long bất ngờ tan đàn, bỏ tổ do các loài ong rừng tìm đến ăn thịt các con ong chúa.
Không lùi bước trước khó khăn, anh Long đầu tư flycam để... theo dõi đàn ong. Từ đó, anh tìm cách tiêu diệt đàn ong vò vẽ, ong chần… vốn nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho đàn ong của mình.
“Sau khi làm mồi nhử bằng thịt tươi kèm lông gà, đàn ong rừng tìm đến "thưởng thức" và mang thức ăn bay về tổ. Từ máy quay trên cao, tôi xác định được vị trí tổ ong, tìm kiếm và tiến hành xử lý. Nhờ vậy đã phần nào đã hạn chế được các loài ong rừng phá hoại” - anh Long cho hay.
Khi đàn ong nuôi phát triển ổn định, anh Nguyễn Phi Long tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng để nuôi thêm 70 đàn ong. Cùng đó, tận dụng diện tích trang trại rộng gần 9 ha, anh trồng hàng trăm cây tràm. Đến mùa hoa tràm nở là nguồn cung cấp mật dồi dào cho đàn ong.
Ngoài ra, đàn ong của anh hút mật từ các loại hoa sim, mua... trên rừng nên cho sản lượng mật hoàn toàn tự nhiên, không có sự tác động của con người. Chất lượng mật nguyên chất đặc sánh, thơm ngon, bảo quản sử dụng lâu dài. Trong 2 năm (2021 - 2022), đàn ong mang về cho anh gần 500 lít mật, thu về gần 300 triệu đồng.
Theo anh Long, nuôi ong không đòi hỏi kỹ thuật cao. Mỗi ngày, anh kiểm tra, vệ sinh để thùng ong luôn khô ráo, sạch sẽ và chú trọng phòng chống các loại côn trùng tấn công.
Khác với cách khai thác truyền thống, sử dụng vải màn để vắt và ép tổ làm cho mật bị pha loãng, chua và ôi, anh sử dụng máy quay li tâm để tách lọc những giọt mật ra khỏi bánh tổ. Với cách khai thác này, khung cầu của đàn ong không bị phá, nhộng ong không bị chết, không gây ức chế đàn ong và nâng cao được chất lượng mật tinh tuý nhất có thể.
“Tôi nuôi ong lấy mật không "đua" theo số lượng mà luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu nhằm nâng cao uy tín, tạo niềm tin cho khách hàng” - anh Long bày tỏ.
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, gia đình anh Long tất bật vào mùa lấy mật đầu tiên trong năm. Với hơn 150 đàn ong, ước đạt sản lượng năm nay của anh sẽ đạt khoảng 220 lít mật, thu lãi gần 120 triệu đồng.
Anh Long dự định tiếp tục nhân giống, phát triển đàn ong, mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm “Mật rú Cao Sơn” và đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng đến thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững.
Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Nguyễn Phi Long có quy mô lớn nhất huyện, là một trong những hướng phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng cao thu nhập cho người dân. Sản phẩm mật ong tự nhiên từ trang trại nuôi ong của anh Long được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính quyền địa phương đang khuyến khích, tạo điều kiện hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất cho cơ sở.