Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

(Baohatinh.vn) - Thời gian trôi nhanh quá. Hà Tĩnh mới tái lập đó, bây giờ đã ba mươi năm. Ba mươi năm với một sáng thu này tưởng nhanh như chớp mắt nhưng ngoái nhìn lại, lại là cả một chặng đường dài ghi dấu nhiều nỗ lực của bao người…

Tôi còn nhớ như in, vào một đêm tối mùa thu năm 1991, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi một bản tin đặc biệt: Ngày 12/8/1991, Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh như trước là Nghệ An và Hà Tĩnh. Nghe xong, tôi và nhiều người nữa vui buồn lẫn lộn và lo âu với cuộc hành trình mới…

TP Vinh sáng ấy trời xanh thắm. Ở đâu cũng có người tụm năm, tụm ba bàn tán chuyện chia tỉnh. Với họ, sau 15 năm nhập tỉnh giờ chia tách, bao khó khăn hiện lên: nào chuyện tình cảm vợ chồng, nào công ăn việc làm, nào đất đai, nhà cửa… Tất cả những vấn đề đó, giải mã được đâu dễ dàng gì đối với trách nhiệm của một chủ nhân gia đình, hay trách nhiệm của tổ chức, cộng đồng.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Quốc lộ 1 đoạn qua TX Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), năm 1994. Ảnh Sỹ Ngọ

Trong bối cảnh bịn rịn thê nhi “Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm” thì nhà thơ Mai Hồng Niên lại “tức khí” thốt lên: “Khi đi trống giục cờ bay/ Ngày về phố xá đường lầy cỏ hoang” khiến không ít người chạnh lòng với cố hương. Nhưng rồi, tất cả người trở về Hà Tĩnh đều gác lại mọi sự lo toan, phiền muộn, hăm hở trao gửi niềm tin cho nhau qua ánh mắt, nụ cười, động viên nhau về Hà Tĩnh gây dựng sự nghiệp mới.

Tôi nhớ, sau một cuộc họp giao ban báo chí ở Tỉnh ủy về, anh Đinh Nho Liêm - Tổng Biên tập đã triệu tập họp cán bộ, phóng viên trong cơ quan Báo Nghệ Tĩnh, bàn nội dung cho 2 tờ báo mới: Báo Nghệ An, Báo Hà Tĩnh, phát hành đúng ngày 2/9/1991. Sau buổi họp khẩn hôm đó, anh Đinh Nho Liêm gọi tôi xuống phòng làm việc và giao nhiệm vụ viết bài tùy bút. Thấy tôi chau mày ngẫm nghĩ, anh nở nụ cười rất tươi và bộc bạch: “Em viết làm sao để người đọc nhớ quê, thương quê và tự hào về quê mình”. Tự nhiên trong đầu tôi lại vụt lên câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Báo Hà Tĩnh từ buổi đầu tái lập tỉnh với nhiều gian khó...

Thế là, đêm hôm đó tôi thức trắng để hoàn thành bài tùy bút “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Anh Nho Liêm không chỉ hoàn thành nhanh bài xã luận “Chia tỉnh nhưng không chia tình” mà còn dồn nén cảm xúc viết bài thơ “Mai em về Hà Tĩnh” đầy chân thành, mộc mạc nhưng đọc lên ai cũng xúc động, trào nước mắt. “Mai em về Hà Tĩnh/ Anh ở lại Nghệ An/ Dòng sông La sông Lam/ Cùng chung một tiếng đàn”. Đấy là tiếng lòng của kẻ ở người đi, đấy cũng là sự thủy chung son sắt, không gì lay chuyển nổi, bởi sự thủy chung đó đã được thử thách một thời đầy gian khổ, một thời “Bát cơm chưa đầy đặn/ Cùng thương nhau sẻ san/ Nắng táp và mưa chan/ Dựng nên làng nên xóm” để dựng nên một kỳ tích vĩ đại công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, công trình thủy lợi Vách Bắc.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Báo Hà Tĩnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiện đại. Trong ảnh: Trung tâm xuất bản hội tụ Báo Hà Tĩnh.

Sau khi Báo Hà Tĩnh phát hành, nhạc sĩ Trần Hoàn đọc bài thơ đã xúc động phổ nhạc ngay thành bài hát “Mai em về Hà Tĩnh” và công diễn ngay. Một tuần lễ sau, bài hát đó được công bố rộng rãi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bao người con Hà Tĩnh nơi chân trời góc bể đều đăm đắm lòng hướng về quê nhà.

Chẳng có gì cả, khi ta tìm lại cội nguồn xứ sở, như tuổi thơ cắp sách tới trường tìm lại chiếc cầu tre lắt lẻo âm thầm in dấu chân xưa. Thị xã Hà Tĩnh đây rồi, một thị xã bé nhỏ bao mùa trăng mong chờ với những ngôi nhà xập xệ, với con đường đất ngầu nước đỏ sau mỗi trận mưa chiều.

Cây ngô đồng cổ thụ vẫn còn đó, lặng lẽ thả lá vàng trong buổi chiều thu. Dòng sông Cụt trầm mặc, ngọn núi Nài thâm nghiêm, đền Võ Miếu mờ mờ trong khói hương hư ảo. Vẫn còn đây, hồ sen năm xưa Bác Hồ đứng, khi ta trở về tìm lại, búp sen đã khép cánh hồng, nhưng vẫn nghe văng vẳng đâu đây lời Bác dặn: “Phải làm sao cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Bác Hồ gặp mặt và nói chuyện với cán bộ, đồng bào Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh: Tư liệu

Thưa Bác! Ba mươi năm sáng thu này nhìn lại, chúng con không hổ thẹn với Người, bởi chúng con đang làm cho “Hà Tĩnh nổi bật lên”. Cứ mỗi mùa thu đi, Hà Tĩnh lớn dần thêm một tuổi. Người Hà Tĩnh thêm một tuổi thêm trí khôn, thêm sức sáng tạo, thêm tình yêu nhân nghĩa cộng đồng.

Cánh đồng thêm một tuổi mới, thêm một mùa bội thu mới. Con đường thêm một tuổi, thêm bước rộng thênh thang. Mầm cây thêm một tuổi, thêm một mùa hoa quả mới. Sự sống quen thuộc, gần gũi xung quanh chúng ta, tươi tốt và hy vọng cũng bắt đầu từ chính chúng ta. Kể sao cho xiết những “mốc son” về đích được kết tinh từ ý Đảng - lòng dân.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Thị xã Hà Tĩnh - một thị xã bé nhỏ đã trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Ảnh Huy Tùng

Từ ý Đảng - lòng dân, chúng ta biến TX Hà Tĩnh với cảnh “đường không tên, nhà không số, phố không đèn” thành một TP Hà Tĩnh ngày một văn minh, hiện đại với náo nức đèn xanh, đèn đỏ; những trung tâm thương mại, siêu thị cao vút; quầy hàng dịch vụ muôn sắc màu. Cả thành phố không bao giờ lặng sóng âm thanh trước những dòng người, dòng xe hối hả.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Những năm qua, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả khá; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng/ha lên trên 90 triệu đồng/ha.

Từ ý Đảng - lòng dân, “mốc son” đầu tiên Hà Tĩnh đã “đột phá” trong chiến lược kinh tế khi lấy “sản xuất là khóa, văn hóa là chìa” làm nên một cuộc cách mạng “nông nghiệp - nông thôn - nông dân”. Trên quan điểm nông nghiệp là nền tảng, nông nghiệp ổn định để phát triển bền vững, mỗi làng xã, mỗi huyện, thị đều hăm hở vào cuộc tiến công dồn điền đổi thửa, xây dựng kênh mương cứng nội đồng, đưa KHKT vào thâm canh sản xuất, đưa giống mới tạo ra năng suất mới.

Bắt đầu từ những bước đi cụ thể ấy, người dân Hà Tĩnh tự tin ngẩng đầu nhìn trời xanh. No cơm, ấm áo là khát vọng tự ngàn xưa bây giờ đã trở thành hiện thực. No cơm, ấm áo là hạnh phúc của mọi người, nhưng “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” khi chân trời tương lai tỏa hồng nắng mới. Mở cánh cửa mới, lại thêm một tư duy mới và hành động mới.

Hà Tĩnh - ba mươi năm với một sáng thu này

Formosa đi vào hoạt động đã đem lại nguồn thu ngân sách bền vững cho Hà Tĩnh ở cả 2 lĩnh vực: thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu

Còn gì vui hơn, khi từ mỗi làng, mỗi xóm đến biển rộng và non cao, đâu đâu cũng nhìn thấy ánh mắt, nụ cười và khát vọng người dân vươn lên làm giàu; đâu đâu cũng bừng bừng khí thế làng xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới. Ở đâu trên mảnh đất Hà Tĩnh này cũng ngời lên sức sống xanh. Sức sống xanh từ cội rễ bền bỉ cây lúa, sức sống xanh đang bật dậy từ Khu kinh tế Vũng Áng, từ điểm hẹn Khu du lịch Thiên Cầm, từ những nét văn hóa lung linh ngàn đời quê hương Đại thi hào Nguyễn Du… và từ tất cả những gì ta đang ươm mầm, gieo hạt.

Ba mươi năm với một sáng thu này chiêm nghiệm, soi vào quá khứ, ta lại thấy dào dạt nhớ, dào dạt thương và rất đỗi tự hào khi Hà Tĩnh quê mình trẻ và đẹp hơn xưa.

Tháng 8/2021

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast