Về miền đất học Hương Sơn...

(Baohatinh.vn) - Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của vùng đất học, chỉ trong 5 năm gần đây, đã có 2 người con của mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) trở thành chủ nhân của những tấm huy chương vàng quốc tế. Thành tích ấy là nguồn cổ vũ, khích lệ lớn lao để ngành GD&ĐT quê nhà vươn tầm cao mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tặng hoa chúc mừng em Phan Xuân Hành đạt HCV quốc tế (ảnh tư liệu).

Theo Dư địa chí Hương Sơn, từ cuối thế kỷ XV đến cuối đời Lê, toàn huyện có 7 vị tiến sỹ, số người đỗ hương khoa khá nhiều. Thời kỳ này, đã có 19 vị hương cống (đậu tứ trường) và nhiều sinh đồ (đậu tam trường). Đời Nguyễn, việc học phát triển rộng hơn nhiều. Số người học hành, đậu khoa bảng tập trung vào một số làng xã thuộc các tổng Yên Ấp, Đỗ Xá, Hữu Bằng, tức là các xã vùng hạ du ngày nay như: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phú…

Miền “núi thơm” cũng là nơi gắn bó hơn hai phần ba cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, là quê hương của Tiến sỹ Đinh Nho Công, Đinh Nho Điền, Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện...

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Trương, huyện Hương Sơn đọc sách trong giờ ra chơi ở sân trường

Đặc biệt, trong phong trào Duy Tân, đầu thế kỷ XX, các ông Đinh Nho Thục ở Yên Ấp và Tú tài Nguyễn Đình Kiên ở Xa Lang là những gương mặt tiêu biểu nhất của trí thức nho học Hương Sơn. Tên tuổi các trí thức ở Hương Sơn nổi tiếng được nhiều người biết đến như Hà Huy Giáp, Lê Khắc Thiền, Nguyễn Khắc Viện... Theo các tài liệu, đến nay, huyện Hương Sơn có tới 129 vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đang hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có 2 viện sỹ viện hàn lâm nước ngoài.

Nối tiếp các bậc hiền tài, từ năm 2017 đến nay, 2 người con của Hương Sơn là Phan Nhật Duy, Phan Xuân Hành được xướng tên ở đấu trường học vấn quốc tế càng làm rạng danh thêm mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. Năm 2017, niềm vui như vỡ òa đối với người Hà Tĩnh nói riêng, người Việt Nam nói chung khi Phan Nhật Duy (xã Sơn Tiến) giành tấm HCV Toán học quốc tế tại Brazil. Tiếp nối thành công này, năm 2022, em Phan Xuân Hành (xã Sơn Lâm) giành tấm HCV Olympic Hóa học quốc tế (IChO) do Trung Quốc đăng cai, tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Giờ thi giáo viên dạy giỏi môn tiếng Anh năm học 2022 - 2023 của cô giáo Phan Thị Nguyệt - Trường THCS Sơn Tây.

2 “chàng trai vàng” của vùng núi đồi Hương Sơn sinh ra, lớn lên trong những gia đình thuần nông ở 2 xã thuộc diện khó khăn của huyện. 12 năm trên ghế nhà trường, cả 2 em đều là những học sinh xuất sắc, giành được nhiều giải thưởng nhờ bản lĩnh, ý chí, nghị lực phi thường. Nhiều người tin rằng, Duy và Hành đã gom “linh khí đại ngàn”, từ đó không ngừng nỗ lực, phấn đấu để gặt hái thành công rực rỡ.

Phan Nhật Duy hiện là sinh viên năm thứ 2 tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc). Theo ông Phan Tình Nguyên - bố Duy, đến năm 2024, sau khi tốt nghiệp đại học, Duy sẽ tiếp tục học thạc sỹ, rồi tiến sỹ tại Australia hoặc Mỹ chuyên ngành Toán học.

Chàng sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Hà Nội Phan Xuân Hành cũng đang không ngừng học hỏi, trau dồi các kỹ năng. Ngoài Phan Nhật Duy và Phan Xuân Hành, đất học Hương Sơn còn nhắc nhớ đến Trần Quốc Luật (xã Sơn Hồng). Với thành tích tốt nghiệp xuất sắc Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trần Quốc Luật được tuyển thẳng, trở thành giáo viên dạy Toán của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh vào năm 2012.

Trân đấu bóng chuyền giữa Trường THCS Sơn Kim 1 (áo xanh) và Trường THCS Nguyễn Khắc Viện (xã An Hoà Thịnh) tại Giải Bóng chuyền ngành Giáo dục Hương Sơn năm 2022

Ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn phấn khởi: Liên tục trong những năm qua, giáo dục Hương Sơn là niềm tự hào của ngành giáo dục Hà Tĩnh. Năm 2019, Phòng GD&ĐT Hương Sơn được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua; năm 2020 là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; năm học 2020-2021 được UBND tỉnh tặng bằng khen; 2021-2022 được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng cắt băng khánh thành nhà đa chức năng tại Trường THCS thị trấn Tây Sơn do Agribank Hà Tĩnh tài trợ 7,3 tỷ đồng.

Trong 3 năm lại nay, huyện Hương Sơn đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường học để nâng cao chất lượng giáo dục với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, 97% trường học ở Hương Sơn hiện đã đạt chuẩn (cao hơn mặt bằng chung của tỉnh là 85%). Bên cạnh đó, các địa phương còn chăm lo làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài để khơi dậy tinh thần ham học, đồng thời tạo không khí thi đua giữa các gia đình, dòng họ và các trường học.

Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ huyện Hương Sơn ngày 8/4/2022 về “Phát triển GD&ĐT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đặt mục tiêu: Tiếp tục củng cố, giữ vững phong trào thi đua và chất lượng giáo dục top đầu toàn tỉnh. Đào tạo các thế hệ phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe thẩm mỹ và nghề nghiệp; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực, cốt cách văn hóa Hương Sơn...

Cô và trò Trường Tiểu học Sơn Bằng tham gia Hội thi Liên hoan tiếng hát dân ca ví, giặm năm 2022

Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn: Ngành giáo dục huyện tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo, quản lý giáo dục, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, nhân viên; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như việc kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; xây dựng các mô hình, cơ sở giáo dục tiên tiến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói