Vì sao đột quỵ thường xảy ra khi tắm?

Đột quỵ là tình trạng nguy hiểm tới tính mạng, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều thói quen sai lầm của chúng ta khi tắm dễ gây ra các cơn đột quỵ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, chỉ sau bệnh tim và ung thư. Các cơn đột quỵ thường xảy ra bất ngờ khi lượng cấp máu lên não bị gián đoạn do động mạch tắc nghẽn, các cục máu đông hoặc mạch máu vỡ ra.

Trên thực tế, nhiều ca đột quỵ thường xảy ra trong nhà tắm. Trung tâm Y tế khẩn cấp Ascent, Mỹ, lý giải thủ phạm khiến chúng ta dễ bị đột quỵ trong khi tắm.

Nhiệt độ của nước

Nhiệt độ của nước rất quan trọng khi tắm. Sự chênh lệch nhiệt độ của nước với cơ thể có thể gây những thay đổi đột ngột về huyết áp. Hệ lụy là dẫn tới tình trạng hạ hoặc tăng thân nhiệt.

Hạ thân nhiệt là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp, xảy ra khi cơ thể mất nhiệt nhanh hơn mức có thể tạo ra. Hậu quả của tình trạng này là cơ thể ở mức nhiệt độ thấp báo động. Trong khi đó, tăng thân nhiệt là tình trạng cơ thể có lượng nhiệt cao hơn mức bình thường. Cả hai hiện tượng này đều có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân.

Tăng hoặc hạ thân nhiệt quá mức khiến huyết áp thay đổi đột ngột. Kết quả là nạn nhân bị thiếu máu cục bộ trong mạch máu não. Đây cũng là thủ phạm dẫn tới các cơn đột quỵ, đau tim, ngừng tim trong phòng tắm, nhà vệ sinh.

Tiếp xúc nước lạnh đột ngột làm tăng trương lực giao cảm, khiến nhiệt độ của da giảm nhanh. Kết quả, nạn nhân bị tăng huyết áp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người mắc sẵn các bệnh nền là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

Chênh lệch nhiệt độ của nước và mạch máu gây ra những thay đổi về huyết áp. Ảnh: Freepik.

Trình tự tắm, gội sai

Thông thường, chúng ta thường làm ướt đầu, tóc trước khi tắm. Theo Trung tâm Y tế khẩn cấp Ascent, đây là trình tự tắm, gội sai lầm. Đầu là nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh quan trọng.

Việc làm lạnh đầu trước tạo áp lực lên các dây thần kinh, mạch máu do chênh lệch nhiệt độ, cơ thể phải cân bằng nhiệt quá nhanh. Chưa kể, nhiệt độ chênh lệch còn khiến mạch máu co lại, càng khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Do đó, trình tự tắm đúng được khuyến cáo là làm ướt chân trước để cơ thể quen dần với nhiệt độ của nước. Sau đó, bạn xả nước trên da, cuối cùng là mặt và đầu.

Trượt chân trong nhà tắm cũng khá phổ biến. Tai nạn này khiến đầu của nạn nhân bị đập xuống sàn hoặc bồn tắm, gây chấn thương nặng.

Áp lực và thay đổi tư thế ngồi khi đi vệ sinh

Khi đi vệ sinh, chúng ta tạo áp lực lên hậu môn, điều này làm suy yếu các dây thần kinh, cơ của sàn xương chậu. Tiến sĩ Satish SC Rao, Đại học Y Georgia, Đại học Augusta, Mỹ, cho biết áp lực khi chúng ta ngồi vệ sinh lâu gây nguy hại cho sức khỏe, nhất là hệ tim mạch. Ông khuyến cáo hành động ngồi lâu trong tư thế đi vệ sinh có thể dẫn tới ngất hoặc đột tử do lưu lượng máu đến tim không đủ.

Tư thế ngồi cũng làm giảm huyết áp, khiến máu cung cấp cho tim không đủ và thường gây ngừng tim trong phòng tắm, nhà vệ sinh. Hệ lụy xấu hơn là áp lực lên hậu môn gây sa trực tràng bên trong.

Chưa kể, nhiều người có thói quen vừa đi vệ sinh vừa đọc báo hoặc nghịch điện thoại. Đây được xem là điều cấm kỵ do chúng ta tập trung vào sách báo hoặc điện thoại, gây ức chế ý thức bài tiết, làm rối loạn chỉ huy của não đối với việc dẫn truyền thần kinh bài tiết, kéo dài thời gian đại tiện.

Ngoài ra, nếu như bạn bị táo bón thường xuyên, phân sót sẽ đè nén cơ thể trong thời gian dài, như vậy sẽ dẫn tới máu ở tiền liệt tuyến của nam giới tắc nghẽn, làm bệnh viêm tiền liệt tuyến nghiêm trọng hơn.

Sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh làm gây thiếu máu, tăng nguy cơ bị đột quỵ do ngồi lâu. Ảnh: Daily Mail.

Sự thay đổi hormone và lượng nitric oxit thấp vào sáng sớm

Bên cạnh việc khuyến cáo không nên tắm khuya vì dễ gây đột quỵ, bác sĩ cũng khuyên chúng ta không nên tắm vào sáng sớm. Bởi thời điểm này, chúng ta mới thức dậy, chuyển từ tư thế nằm sang vận động, làm thay đổi nồng độ của các hormone. Nó gây tăng nhịp tim, huyết áp và đẩy trương lực của động mạch lên cao.

Thông thường, huyết áp của cơ thể xuống mức thấp nhất vào khoảng 3h. Sau đó, huyết áp tăng dần, nhanh hơn khi thức dậy và buổi sáng. Khi thức dậy, cơ thể bạn tiết adrenaline, các hormone gây căng thẳng khác, làm tăng áp lực máu và nhu cầu cung cấp oxy.

Sau một đêm, cơ thể mất đi lượng nước tương đối lớn, máu trở nên cô đặc, tăng áp lực cho tim khi bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp tăng sẽ khiến nhu cầu oxy cho cơ tim tăng theo và nó không ổn định do chênh lệch huyết áp. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương các mảng xơ vữa động mạch, dễ bị rách, vỡ, bong. Lúc này, chúng sẽ kích hoạt tiểu cầu gây ra huyết khối gây tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu não cấp.

Ngoài ra, đột quỵ khi tắm vào buổi sáng hoặc sáng sớm nói chung còn liên quan lượng nitric oxit thấp vào lúc ngủ dậy. Nitric oxit (NO) giúp cầm máu, tham gia vào hầu hết quá trình sinh học trong cơ thể như sự thức tỉnh, chức năng sinh dục, cảm giác đau, hài lòng, điều tiết máu và chất dinh dưỡng nuôi cơ thể…

Đặc biệt, NO đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Nó là yếu tố quan trọng quyết định đến việc bị đột quỵ, tiểu đường… Quá trình tiêu thụ NO vào ban đêm lớn nhất nên khi sáng sớm thức dậy cơ thể con người thường thiếu NO. Điều này cũng khiến chúng ta dễ bị đột quỵ vào sáng sớm.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói