Theo Luật Thủy sản và các văn bản có liên quan, việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên. Đây là việc làm quan trọng trong công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, giám sát thống kê sản lượng, giúp cơ quan quản lý theo dõi, giám sát tàu cá khai thác đúng vùng, đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn tàu cá khai thác trái phép trên các vùng biển.
Nhật ký khai thác thủy sản điện tử có nhiều ưu điểm so với nhật ký truyền thống, như tăng tính minh bạch, dễ dàng quản lý, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc thủy sản và góp phần gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.
Tại Hà Tĩnh, việc ghi nhật ký điện tử được triển khai hơn 1 năm nay nhưng đa số ngư dân chưa mặn mà.
Anh Hoàng Văn Viên - chủ tàu cá TH-92148-TS ở xã Các Sơn, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên cập Cảng cá Cửa Sót, xã Lộc Hà. Dù điện thoại của anh đã được cài đặt phần mềm về "Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử" hơn 1 năm nay và đã được Ban Quản lý các Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh tập huấn, hướng dẫn ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhưng anh vẫn chọn cách ghi nhật ký trên giấy rồi khi cập cảng lại tiếp tục ghi lại để nộp cho cơ quan chức năng.
Anh Hoàng Văn Viên cho biết: “Qua hướng dẫn tôi thấy ghi nhật ký điện tử cũng như làm thủ tục với cơ quan chức năng khá đơn giản, nhưng tôi vẫn ghi bằng tay vì khi làm việc ở trên biển, việc cầm điện thoại để thực hiện các thao tác khá vướng víu”.
Ghi nhật ký khai thác thủy sản bằng giấy gặp nhiều khó khăn do đánh bắt ngoài biển dễ bị ướt nên thường sau mỗi lần ghi giấy, khi vào bờ, ngư dân lại phải tiếp tục ghi lại, khai báo lại nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, sử dụng nhật ký điện tử, mỗi lần thả lưới, ngư dân chỉ cần bấm vào phần mềm được cài đặt sẵn, hệ thống sẽ tự động cập nhật thông tin về tọa độ, vị trí tàu, loại cá, sau khi khai báo sản lượng, dữ liệu sẽ được gửi về trạm bờ.
Tiện lợi là vậy nhưng đa số ngư dân cho rằng không dễ để thực hiện. Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh nêu lý do cho việc không áp dụng ghi nhật ký khai thác điện tử: “Đi đánh bắt ở ngoài biển thì chúng tôi thường sử dụng điện thoại không có kết nối mạng mà nếu có điện thoại kết nối mạng thì ngoài biển cũng không có sóng nên chúng tôi không thực hiện việc ghi nhật ký khai thác điện tử như đã được hướng dẫn”.
Hà Tĩnh hiện có gần 350 tàu cá chiều dài từ 12m trở lên thuộc diện phải ghi chép nhật ký khai thác thủy sản. Thời gian qua, việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản được thực hiện thủ công do các chủ tàu/thuyền trưởng ghi và nộp cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc ghi nhật ký khai thác thủy sản bằng giấy vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, ghi chưa chính xác, ghi không đầy đủ thành phần loài thủy sản trong nhật ký khai thác so với thành phần khi bốc dỡ thực tế; nhật ký thiếu thông tin; ghi sai lệch vị trí tọa độ trong nhật ký khai thác với vị trí tọa độ trong giám sát hành trình tàu cá, dẫn đến sai lệch các thông tin so với thực tế, đặc biệt nhiều chủ tàu thực hiện việc viết nhật ký bằng tay rất khó khăn, chữ viết không rõ ràng, tẩy xoá.
Trong khi đó, với nhật ký điện tử, dữ liệu thu thập được là dữ liệu số, thông qua các thiết bị số, giúp người ghi thực hiện dễ dàng chỉ bằng các thao tác trên smartphone mà không cần kết nối mạng internet. Do vậy, ngư dân có thể thực hiện trên các vùng biển xa bờ, khi có mạng thì hệ thống sẽ loát lại dữ liệu.
Để giúp các chủ tàu cá thuận lợi trong việc thực hiện quy định về ghi nhật ký khai thác thủy sản, tháng 6/2024, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh triển khai phần mềm "Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử" và đã cấp gần 4.000 tài khoản cho các tàu cá tham gia khai thác. Phần mềm này tích hợp nhiều chức năng hỗ trợ quản lý hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có chức năng ghi nhật ký điện tử phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch. Vậy nhưng, hiện nay, rất ít ngư dân sử dụng chức năng này.
Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh cho biết: “Để khắc phục triệt để các cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác phối hợp, cùng với các lực lượng chức năng khác đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân trong việc sử dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, theo dõi và giám sát sản lượng khai thác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản”.
Có nhiều lí do cho việc ngư dân chưa mặn mà với nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhưng có thể thấy nguyên nhân căn bản là do e ngại phiền phức, chưa mạnh dạn đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong lộ trình gỡ “thẻ vàng” IUU và hiện đại hóa quản lý nghề cá, cần sự chuyển mình mạnh mẽ của mỗi ngư dân mà trước hết là việc ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động khai thác thuỷ sản tại địa phương.