Một loạt bệnh trỗi dậy
TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào mùa đông xuân nhất là ở miền Bắc các bệnh đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, quai bị, tay chân miệng, sốt xuất huyết, zika, tiêu chảy do rotavirus ở trẻ dưới 5 tuổi bùng phát rất mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội lưu ý, trẻ em hay người lớn đều rất nhạy cảm dễ bị nhiễm bệnh trong mùa đông xuân. Có một số nhóm bệnh trẻ em thường hay mắc trong đó rõ ràng nhất liên quan đến thời tiết là bệnh lý đường hô hấp. Trong bệnh lý đường hô hấp có nhiều loại, từ bệnh lý đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới. Nếu nhẹ chỉ là cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp. Nếu không điều trị sẽ chuyển xuống đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhóm bệnh lý thứ 2 hay gặp khi chuyển thời tiết là bệnh lý dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, bệnh liên quan đến các tác nhân dị ứng, virus. Đây là lý do bệnh truyền nhiễm thường gặp trong dịp này ở trẻ em
Trẻ em rất dễ mắc bệnh vào mùa đông xuân
TS Trương Đình Bắc đặc biệt lưu ý về bệnh zika. Ở khu vực Đông Nam Á cũng đã có 7/10 quốc gia có ghi nhận các trường hợp nhiễm zika, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo nguy cơ lây lan virus zika ở khu vực Đông Nam Á là rất lớn. Tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận 9 trường hợp mắc zika, trong đó riêng TP.HCM là 5 ca, các trường hợp còn lại ghi nhận ở Bình Dương, Long An, Khánh Hoà, Phú Yên. Ngành Y tế, đã triển khai giám sát virus zika tại cộng đồng. Đã làm được gần 3.000 test xét nghiệm, bao gồm cả test xét nghiệm liên quan đến những người đi từ vùng dịch về và những trường hợp phụ nữ có thai có triệu chứng nghi ngờ mắc zika.
MERS-CoV - hội chứng đường hô hấp cấp vùng Trung Đông cũng đang là căn bệnh gây nguy hiểm mới nổi lên. Bệnh này ghi nhận từ năm 2012 đến nay với khoảng gần 2.000 người mắc, trong đó trên 600 trường hợp tử vong, đây là một tỉ lệ tử vong rất cao. Biểu hiện bệnh cảnh MERS-CoV rất nhanh, đặc trưng của bệnh là tính lây lan nhanh, tỉ lệ tử vong cao nên cực kỳ nguy hiểm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là các hội chứng đường hô hấp cấp.
Cảm cúm và sốt xuất huyết có gì khác nhau?
Sốt xuất huyết là căn bệnh bùng phát hàng năm với số ca mắc rất cao và số ca tử vong cũng không hề ít. Theo TS Bắc sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue có 2 thể. Thể sốt Dengue biểu hiện đau mình, đau hốc mắt nhưng thường biểu hiện nhẹ và thường xảy ra ở những người mắc lần đầu chưa có miễn dịch. Còn sốt xuất huyết Dengue là một tình trạng nguy hiểm, thường xảy ra ở những người đã bị nhiễm bệnh một lần rồi, hoặc là mẹ truyền miễn dịch sang cho con và khi bị mắc lần 2 thì rất dễ bị nặng. Biểu hiện lâm sàng giai đoạn đầu của sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue rất khó phân biệt nhưng cần quan tâm hơn sốt xuất huyết Dengue.
Thời kỳ sốt khoảng 3-7 ngày, ủ bệnh khoảng 1 tuần, sau đó sốt và sốt cao đột ngột, đau người, đau mình mẩy, đau hốc mắt, đau vùng thái dương, 3 ngày sau có thể có biểu hiện nôn, buồn nôn và thường hạ sốt đi. Ở giai đoạn hạ sốt này cũng có những biểu hiện cần quan tâm, đó là giảm tiểu cầu có thể giảm xuống dưới 100.000/mm3, dễ cô đặc máu, xét nghiệm hematocrit có thể tăng trên 20% so với ban đầu. Đây là những dấu hiệu rất nguy hiểm. Sốt xuất huyết thì rất dễ chảy máu trong khi đánh răng hay vết tiêm, có thể xuất huyết tiêu hoá, nôn ra máu... Biểu hiện nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết Dengue là sốc và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại các bệnh viện
Để phân biệt sốt xuất huyết với một số bệnh cảnh khác như cảm cúm thì không có biểu hiện xuất huyết. Sốt xuất huyết cũng dễ nhầm với phát ban, có thể phân biệt ở vết ban nếu căng da ra thì nó mất thì khả năng đó là sốt phát ban, còn vết ban căng da ra không mất đi thì phải nghĩ nhiều đến đó là sốt xuất huyết.
TS. Trương Đình Bắc cho biết thêm, bệnh sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng lại chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó các biện pháp để dự phòng bệnh này vẫn là phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, đặc biệt khi có chiến dịch phun hoá chất dập dịch thì người dân cần hợp tác mở cửa để phun thuốc có hiệu quả cho cả khu vực.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính, đặc biệt là có thể dẫn tới truỵ tim mạch và tử vong. Nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở các bệnh viện chủ yếu là do đến bệnh viện muộn, khi bị sốt xuất huyết thì chủ quan, tự mua thuốc về nhà điều trị, tự mời bác sĩ tư đến nhà truyền dịch. Khi quá nặng mới đưa đến bệnh viện thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Do đó chúng tôi khuyên người dân khi bị sốt xuất huyết thì cần phải rất thận trọng không tự ý mua thuốc, không tự uống thuốc hạ sốt, nên tăng cường bù dịch bằng đường uống (như sử dụng oresol hoặc nước hoa quả), tránh lạm dụng truyền dịch tại nhà và cần phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sốc như co giật, run rẩy, chân tay lạnh, sốt cao... thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để có cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến sức khoẻ.
Khi ốm cần ăn uống thế nào?
Khi bị sốt, ho...cơ thể thường mất nước nên cần bù nước, nhất là nước hoa quả và dùng oresol để bù lại lượng nước mất đi. Không được kiêng khem quá mà phải dinh dưỡng đủ chất, hợp lý, giàu vitamin, khoáng chất, đủ năng lượng để giúp cho sức đề kháng cơ thể tăng lên chống đỡ bệnh tật. Lưu ý không nên dùng thực phẩm có màu sẫm quá, nhất là màu đỏ vì trong quá trình xuất huyết nếu bị nôn ra máu hoặc xuất huyết tiêu hoá mà thức ăn giống như máu thì không phân biệt được.
TS. Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người bệnh cần ăn uống các loại hoa quả có nhiều natri, kali như: nước dừa, nước chuối xay, nước hồng xiêm chín nghiền, cam, quýt, bưởi, chanh...Những người bị sốt rất mệt mỏi cần lưu ý chọn những món ăn mà bình thường người bệnh thích ăn, chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh những đồ ăn cứng, khó tiêu hoặc đồ ăn có chất kích thích.
Dinh dưỡng đầy đủ rất cần thiết để phòng tránh bệnh mùa đông xuân
Để phòng tránh bệnh hộ hấp mùa thu đông cần tuân theo những nguyên tắc của chế độ ăn: đảm bảo năng lượng để cơ thể chống được cái lạnh của môi trường; Tăng cường các loại hoa quả chín mọng vì có nhiều vitamin có trong các loại rau màu xanh thẫm, quả màu đỏ, vàng.
Lưu ý, để phòng bệnh hô hấp mùa thu đông, cần ăn thức ăn nóng, tuyệt đối không ăn thức ăn lấy trong tủ lạnh ra. Bên cạnh đó, nên ăn các loại thức ăn có tính nóng, ấm như ăn thịt bò kho gừng,.... Ăn các loại thức ăn có chứa kháng sinh cao như tỏi. Trong tỏi có chất kháng sinh rất mạnh và có chất chống oxi hóa phòng tránh ung thư. Kể cả tỏi ta, tỏi tây và hành lá đều có lượng kháng sinh tốt.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng nhất là trong mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, cần ăn uống để đủ năng lượng cho cơ thể. Cần ăn đủ tinh bột, đạm động vật, chất béo, dầu, mỡ... Trong đạm động vật có rất nhiều protein giúp tham gia miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, thịt đỏ... Hiện đang là mùa thu, thời tiết khô chúng ta nên uống nước thường xuyên, đừng để cơ thể quá khát nước. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các loại men probiotic cho cơ thể như ăn sữa chua để tốt cho hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên. Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, cả nước cũng đã ghi nhận hơn 27.000 ca mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành. Các tỉnh có số bệnh nhân cao như TP.HCM, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng... Số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay có 72.000 ca, tăng so với năm 2015, 21 người tử vong…