Vì sao tình báo Mỹ bất lực với "bức tường thành" Triều Tiên?

Triều Tiên được coi là mục tiêu khó khăn nhất đối với giới tình báo Mỹ. Sự khép kín của Triều Tiên khiến giới tình báo Mỹ luôn đi sau và bị động.

Mỹ biết trước vụ phóng tên lửa Triều Tiên qua Nhật Bản vài giờ. (Ảnh: Reuters)

Khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua Nhật sáng 29/8, bộ máy thu thập tình báo trị giá 80 tỷ USD của Mỹ cũng chỉ có vài giờ để cảnh báo, giới chức Mỹ cho biết với hãng tin NBC News. Nói cách khác, bộ máy tình báo của Mỹ một lần nữa lại bị động trước Triều Tiên.

Tháng 12/2011, tình báo Mỹ không hề hay biết về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời cho đến hai hôm sau khi Bình Nhưỡng công bố trên đài truyền hình quốc gia.

Năm 2010, Triều Tiên cho phép một chuyên gia Mỹ thăm một nhà máy làm giàu uranium, một cơ sở mà không chỉ Mỹ mà cả thế giới chưa từng một lần nghe tới.

Nhiều quan chức tình báo Mỹ cả đương nhiệm và về hưu đều cho rằng Triều Tiên là một mục tiêu tình báo “ác mộng”. Triều Tiên kiểm soát hệ thống internet một cách tối đa, trong khi địa hình đồi núi khiến cho việc quan sát các đường hầm bí mật ở quốc gia này trở nên khó khăn.

“Đây là một trong số những mục tiêu khó nhằn nhất mà chúng tôi có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo”, Daniel Coats, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nói trước quốc hội Mỹ hồi tháng 5. Nhiệm vụ này càng trở nên phức tạp hơn khi Triều Tiên gần đây ngày càng có khả năng che giấu kỹ hơn các hoạt động thử tên lửa của mình.

Vậy đâu là lý do chính khiến tình báo Mỹ bất lực trước “bức tường thành” Triều Tiên?

Internet

Hệ thống Internet khép kín cũng khiến Triều Tiên khó bị tấn công mạng. (Ảnh minh họa: Sputnik)

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) từng thành công trong việc đột nhập hệ thống máy tính và email có nguồn gốc từ Triều Tiên để lấy một số dữ liệu. Tuy nhiên, những dữ liệu này rất ít và không thực sự có giá trị.

Việc thâm nhập hệ thống máy tính Triều Tiên không phải vấn đề đơn giản khi hệ thống internet ở đây khá hạn chế, chỉ số ít người ở Triều Tiên sở hữu điện thoại di động. Đó là chưa kể Triều Tiên còn tăng cường các biện pháp mã hóa thông tin, giới chuyên gia nhận định.

Con người

Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới. Mỹ hiện không có đại sứ quán ở Triều Tiên cũng như không có một cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại đây.

Do đó, các cơ quan tình báo Mỹ cũng khó lòng cài cắm điệp viên để bắt đầu thu thập thông tin về Triều Tiên.

Bruce Klingner, một cựu chuyên gia phân tích của CIA, cho rằng ngay cả những mật vụ Hàn Quốc cũng gặp khó khăn khi tìm cách tiếp cận Triều Tiên.

Hình ảnh

Ảnh chụp vệ tinh của Mỹ tại căn cứ hạt nhân Punggye-Ri của Triều Tiên (Ảnh: 38 North)

Phần lớn những gì Mỹ biết về quân đội Triều Tiên và hoạt động phát triển hạt nhân của họ là thông qua các vệ tinh giám sát. Tên chính thức của hệ thống này là Hệ thống "Tình báo, Giám sát và Trinh sát” - ISR.

Biết được điều này, Triều Tiên đã xây dựng một trong những hệ thống đường hầm tinh vi nhất thế giới để che giấu các hoạt động. Đặc biệt ở các khu vực đồi núi địa hình hiểm trở, việc quan sát Triều Tiên qua vệ tinh trở nên khó khăn.

“Triều Tiên có thể cất giấu các bệ phóng và tên lửa trong các hầm ngầm và di chuyển chúng vào ban đêm, sau đó dựng lều để che đậy”, David Albright, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Viên nghiên cứu Khoa học và an ninh quốc tế, nhận định.

Theo Minh Phương/dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói