Gần 3 tháng kể từ khi cây cầu tre bắc qua sông Khe Gin đã bị bão số 10 cuốn trôi, một số hộ buộc địa phương phải tự chế ra những chiếc bè để qua sông. Ban đầu là bè chuối, nhưng "chất liệu" này chỉ dùng được ít ngày là hư hỏng nên người dân "sáng chế" ra những chiếc bè xốp. Gọi là bè nhưng thực ra chỉ là những miếng xốp ghép lại và chỉ có khoảng 1-2 người ngồi lên được. Mỗi khi lên bè, người dân phải ngồi xổm, men theo chiếc dây thừng rồi ra sức kéo để lên bờ!.
Chứng kiến cảnh người dân dùng bè xốp để qua sông, chúng tôi thực sự rùng mình trước những hiểm nguy luôn rình rập. Theo người dân phản ánh, kể từ khi cầu trôi đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn, tuy chưa ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng khiến người dân khiếp đảm.
Kể lại vụ tai nạn mới đây, bà Kiều Thị Tiềm (SN 1944, ở thôn 4) vẫn chưa hết lo sợ: “Hôm 18/11, tôi sang bên kia sông để đi dự ngày hội đại đoàn kết. Bữa đó mưa to, trời rét, nước sông dâng cao, chảy xiết nên bè bị lật, may được mọi người cứu kịp thời, nếu không, giờ tôi chẳng còn được đứng đây nữa”.
Cũng suýt chết khi qua Khe Gin, chị Nguyễn Thị Hà (SN 1964, ở thôn 4) cho biết: “Chúng tôi sống bên kia sông nhưng hội quán thôn lại ở bên này nên thường xuyên phải sang đi họp, sinh hoạt thôn. Ruộng đồng của thôn cũng phân tán cả hai bên sông nên việc có một cây cầu là hết sức cấp thiết. Nếu đi bộ thì phải đi đường vòng, xa hơn 4 km. Dân ơ đây đã bắc cầu tạm không biết bao nhiêu lần rồi nhưng chỉ làm được ít tháng là bị nước cuốn trôi".
Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Trần Đình Lam trăn trở: “Kinh phí của xã có hạn nên không đủ khả năng để đầu tư. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương gì...".
Theo kết quả khảo sát, cầu dài khoảng 24m và kinh phí dao động từ 3-5 tỷ đồng.