Theo phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, trên địa bàn hiện có gần 80 ha cam/7 tổ hợp tác được công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình này đều mang lại sản phẩm chất lượng, được thương lái thu mua với giá cao, nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ nét.
Cùng với sản phẩm chủ lực là cây cam, trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã xây dựng được 18 mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, gồm: 2 mô hình trồng lúa; 2 mô hình trồng na; 2 mô hình trồng ổi; 2 mô hình trồng bí xanh; 2 mô hình nuôi lợn; 2 mô hình nuôi cá lồng bè; 3 mô hình nuôi dúi; 2 mô hình nuôi chồn; 1 mô hình nuôi ốc bươu đen.
Ông Đoàn Quốc Hoài (thôn 1, xã Quang Thọ) cho biết: "Gia đình tôi hiện trồng hơn 2.000m2 bí xanh theo quy trình hữu cơ. Đây là vụ thứ 2 chúng tôi trồng loại cây này. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, các diện tích bí đã cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, tới vụ thu hoạch được thương lái đến thu mua ngay tại vườn. Vụ bí năm ngoái, gia đình chúng tôi xuất bán được hơn 4 tấn quả, thu về hơn 30 triệu đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống".
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Phan Xuân Nam cho biết: “Việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo quy trình hữu cơ đã giúp người dân địa phương giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình này đã tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, đặc trưng cho địa phương. Thời gian tới, phòng sẽ khuyến khích bà con áp dụng rộng rãi quy trình này trên các đối tượng cây, con khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước giúp bà con cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống”.