Vừa có bằng văn hóa, vừa có tay nghề
Giờ học văn hóa tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh.
Bước vào lớp 10, năm học 2022-2023, em Hoàng Thị Nga ở xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) đăng ký theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh.
Được định hướng của thầy cô và bố mẹ, Nga quyết định chọn nghề nghiệp vụ nhà hàng.
Em Hoàng Thị Nga đang theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh.
Nga chia sẻ: “Với lựa chọn này em sẽ tiết kiệm thời gian và được hỗ trợ học phí, đồng thời ra trường còn được giới thiệu việc làm, không lo thất nghiệp. Khi đi làm sớm cũng có thể giúp kinh tế cho gia đình”.
Giờ thực hành nghề Nghiệp vụ nhà hàng tại Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh
Đang theo học năm thứ 2 tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, em Nguyễn Công Vũ - học sinh lớp 11A1, nghề Công nghệ ô tô cho biết: “Môi trường học tập vừa học văn hóa vừa học nghề giúp em thích thú học tập.
Ở giờ thực hành trên xưởng, em được tìm tòi và khám phá nghề mà mình yêu thích, được trau dồi kiến thức, kỹ năng và tác phong làm việc tại các doanh nghiệp. Em thấy lợi ích khi học trung học nghề là sau tốt nghiệp THPT em vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Hơn thế nữa em có thể được đi làm sớm giúp đỡ bố mẹ và lo được cho bản thân mình”.
Em Nguyễn Công Vũ - học sinh lớp 11A1, nghề Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh mong muốn sớm có việc làm sau khi ra trường.
Tiết kiệm chi phí và thời gian học tập
Thực hiện chính sách phân luồng theo Quyết định 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” và Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đã triển khai công tác tư vấn, phân luồng, tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học trung cấp nghề đạt được kết quả tích cực, số học sinh tăng hàng năm.
Học sinh được miễn học phí của chương trình học nghề.
Từ quy mô 2 lớp khoá đầu tiên (năm 2018), đến nay số học sinh theo học tại Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh hàng năm đã lên tới gần 1.200 học sinh. Năm học 2020 - 2021, trường tuyển mới 321 học sinh; năm học 2021 - 2022 tuyển mới 403 học sinh; năm học 2022 - 2023 tuyển mới đợt 1 506 học sinh.
Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Lợi thế khi học văn hóa kết hợp học nghề ở bậc học THPT là học sinh được miễn học phí học nghề. Những em ở xa nhà trường có xe đưa đón đi học. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ được nhà trường giới thiệu việc làm đúng ngành nghề đào tạo với mức lương thỏa đáng”.
Năm học 2022-2023, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh tuyển sinh mới gần 400 học sinh theo theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề.
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh có quy mô tuyển sinh hơn 3.300 học sinh sinh viên các hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trong số này có 1.200 học sinh theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề với các nghề như: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Hàn; Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng; Vận hành máy thi công nền; May thời trang.
Năm học 2022-2023, nhà trường đã tuyển sinh mới gần 400 em theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề.
Học sinh sau khi hoàn thành được nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề
Trong quá trình dạy học và đào tạo nghề, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh luôn coi trọng hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, tăng thời gian thực hành nghề tại nhà xưởng và trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thường xuyên liên kết với doanh nghiệp để học sinh được thực tập với chính công việc của mình và được doanh nghiệp trả lương. Nên sau khi tốt nghiệp, học sinh được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay.
Học sinh sau khi tốt nghiệp có thể học liên thông để lấy bằng cao đẳng.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh Lê Thị Hoài Nam cho biết: “3 - 4 năm trở lại đây, nhiều học sinh sau khi học lớp 9 đã chọn học nghề, như năm nay trường đã tuyển được gần 400 học sinh lớp 9 vào học lớp 10 và học nghề”.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh số lượng học sinh vừa tham gia học THPT, vừa học nghề năm sau tăng hơn năm trước. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, đồng thời, giúp học sinh định hướng tốt hơn trong lựa chọn ngành nghề, rút ngắn thời gian học và có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.