Nhiều trường học “bí” trong 1 năm chờ văn bản hướng dẫn
1 năm học tạm ngừng các khoản thu tự nguyện để tránh thực hiện sai các văn bản chỉ đạo của cấp trên, nhiều trường học chấp nhận dạy, học trong những công trình xuống cấp và thiếu thốn thiết bị.
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Thạch Quý tạm ngừng huy động đóng góp tự nguyện của phụ huynh, nhiều công trình xuống cấp không có kinh phí sửa chữa
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) Trần Thị Thu Cúc cho biết: “Năm học trước, dãy nhà học cấp 4 hư hỏng nặng. Để đảm bảo cho việc học tập, trường đã phải trưng dụng 6 phòng chức năng để các em học tập. Cùng với đó, công trình vệ sinh của học sinh xuống cấp nhưng chúng tôi không dám huy động nguồn thu nào”.
Thời gian qua, trong khi chờ hướng dẫn, do yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ dạy học và các hoạt động giáo dục, 5 địa phương: Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Sơn, Vũ Quang tổ chức huy động đóng góp từ phụ huynh học sinh.
Trong đó, một số trường học đến cuối năm học 2018-2019 tổ chức thu chưa hợp lý đã khiến phụ huynh băn khoăn, bức xúc. Việc tổ chức thu như trên, theo kết luận của Đoàn giám sát liên ngành của Tỉnh ủy là chưa thực sự phù hợp các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh và tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Cuối năm học 2018-2019, mỗi học sinh Trường Mầm non Kỳ Tây được huy động đóng góp 850 ngàn đồng tiền tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất, khiến nhiều phụ huynh chưa đồng tình. Ảnh: Ánh Nguyên
Được biết, từ năm 2017 đến nay, nhiều văn bản từ Trung ương đến địa phương được ban hành để kiểm soát hoạt động thu trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đảm bảo đúng các quy định. Thực hiện chỉ đạo đó, ngày 24/11/2007, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành quyết định bãi bỏ hướng dẫn trước đó của sở về việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh.
Tháng 7/2018, đoàn công tác liên ngành của Tỉnh ủy, trên cơ sở khảo sát thực tế và nghiên cứu các quy định đã đề xuất tỉnh tạm ngừng việc huy động, chờ Trung ương có văn bản chỉ đạo. Từ đó đến nay, phần lớn các trường học, địa phương trên toàn tỉnh tạm ngừng tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh, nhân dân.
Do thiếu nguồn lực để cải tạo các phòng học, một số trường phải dùng phòng chức năng để dạy học
Theo báo cáo của đoàn giám sát liên ngành của Tỉnh ủy, từ tháng 7/2018 đến tháng 5/2019 (trong 1 năm học chờ văn bản hướng dẫn mới), các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh chỉ huy động từ đóng góp của phụ huynh học sinh và kêu gọi tài trợ trên địa bàn toàn tỉnh số tiền 24,4 tỷ đồng. Trong khi đó, trung bình mỗi năm trước đây, ngành giáo dục huy động xã hội hóa khoảng 187 tỷ đồng.
Quy định mới “mở cửa” cho xã hội hóa đầu tư giáo dục
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho biết: Xã hội hóa huy động nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho các nhu cầu sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ dạy - học.
2 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh Hà Tĩnh được ban hành sau khá nhiều lần tham mưu của các sở, ban, ngành liên quan
Tuy nhiên, gần 1 năm sau khi bãi bỏ hướng dẫn trước đó, sau nhiều lần tham mưu của liên ngành Giáo dục, Tài chính và thẩm định của Sở Tư pháp, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công văn số 5027/UBND-VX ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh “về việc hướng dẫn vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh” mới ra đời.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 quy định việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Tĩnh” (trong đó có nội dung huy động để xây dựng cơ sở vật chất trường học - PV).
Các trường học đã triển khai được 2 tuần học đầu tiên của năm học mới. Ảnh: PV
Theo đó, công văn 5027 hướng dẫn các cơ sở giáo dục về quy trình vận động nguồn tài trợ cho việc sửa chữa nhỏ, hỗ trợ các thiết bị phục vụ dạy học và hoạt động giáo dục, còn Quyết định 37 đã giao trách nhiệm chủ trì cho chính quyền các địa phương trong việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện của toàn dân (không chỉ phụ huynh - PV) để xây dựng những công trình trường học quy mô lớn trên địa bàn.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh phân tích, từ thế bị động tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân, thực hiện công văn 5027, trường học được trao quyền chủ động thực hiện vận động các nguồn tài trợ cho giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất và các khoản thu khác đảm bảo cho việc dạy và học. Bên cạnh đó, theo văn bản 5027, ngoài trường học và ban đại diện phụ huynh, chính quyền địa phương sẽ tham gia ngay từ việc vận động tài trợ (là một thành viên của ban vận động tài trợ) cho đến việc đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Tạo thế chân kiềng trong kiểm soát lạm thu
Khi các văn bản mới mở rộng “cánh cửa” để trường học vận động các nguồn tài trợ, nhiều ý kiến cho rằng, phải tạo được thế chân kiềng trong kiểm soát với vai trò chính của 3 đại diện: ngành giáo dục, ban đại diện phụ huynh và chính quyền địa phương.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh: Ngành sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện sai các quy định tại công văn 5027 dẫn đến lạm thu trong trường học.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Anh, công văn 5027 giao quyền cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục làm trưởng ban vận động tài trợ, chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quá trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ. Trách nhiệm lớn hơn đòi hỏi người đứng đầu phải cân đối giữa nhu cầu nguồn lực tăng cường vật chất trong trường học với đời sống, thu nhập của phụ huynh học sinh để có kế hoạch vận động phù hợp.
Bên cạnh đó, các phòng giáo dục và phòng chuyên môn của Sở chịu trách nhiệm xem xét nhu cầu về cơ sở vật chất mỗi trường học và mức thu nhập của người dân trên địa bàn để thẩm định, phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của các trường học. Ngành giáo dục sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện sai các quy định tại công văn 5027 dẫn đến lạm thu trong trường học.
Cô Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Giót cho biết, trường đã nghiên cứu khá kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành. Năm học này, với số lượng học sinh sau khi sáp nhập trường khá đông, nhà trường dự kiến sẽ vận động tài trợ với mức phù hợp với đời sống của phụ huynh học sinh
Tham gia ban vận động tài trợ, ban đại diện cha mẹ học sinh thường khó có vai trò độc lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới sẽ giúp họ đặt mình ở đúng vai là người đi vận động để tránh áp đặt, cào bằng trong quá trình tham gia vận động tài trợ đối với phụ huynh học sinh.
Đối với chính quyền địa phương, các văn bản chưa có chế tài xử lý cụ thể, tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, các địa phương cần có giải pháp để phát huy vai trò kiểm soát độc lập của chính quyền các cấp. Như cách làm của ở TP Hà Tĩnh, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm Hùng Cường, đó là: Nếu xảy ra sai phạm, sẽ phê bình và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, đồng thời đưa vào tiêu chí đánh giá người đứng đầu chính quyền địa phương được thực hiện định kỳ 6 tháng 1 lần.
Năm học mới đã tiến hành được 2 tuần học và các cơ sở giáo dục đang triển khai vận động tài trợ đối với phụ huynh – đối tượng chủ yếu tham gia xã hội hóa giáo dục. Lạm thu sẽ dễ xảy ra, nhất là trong bối cảnh các trường học đang thiếu nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất sau 1 năm ngừng thu.
Năm học mới đang được khởi động cũng là lúc nhiều phụ huynh bắt đầu lo “ngay ngáy” về các khoản đóng góp. Ảnh minh họa Internet
Bởi vậy, ngay từ thời điểm khởi động thu đầu năm học mới, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành giáo dục, chính quyền các địa phương và sở, ban, ngành liên quan trong việc thực hiện đúng quy trình và tăng cường kiểm soát.
Như vậy mới giúp các trường học xã hội hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục mà không để xảy ra lạm thu, tránh đặt gánh nặng lên cuộc sống người dân, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.