"Sờ gáy" các quán café, phát hiện nhiều nguyên liệu hết “đát”

(Baohatinh.vn) - Nguyên liệu chế biến hết hạn sử dụng, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng... là những sai phạm mà cơ quan chức năng đã xử lý trong đợt ra quân kiểm tra về hoạt động kinh doanh café - nước giải khát trên địa bàn TP. Hà Tĩnh. Đó là chưa kể việc vi phạm các thủ tục hành chính cần thiết trong kinh doanh.

Bất an về nguyên liệu chế biến

Thời tiết đang chuyển sang mùa hè, nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai, café, giải khát theo đó cũng dần tăng cao. Để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, từ ngày 20/2 - 20/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Tĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả trong đợt kiểm tra “sức khỏe” nhiều quán café - giải khát lần này đã khiến nhiều người phải “giật mình”.

so gay cac quan cafe phat hien nhieu nguyen lieu het dat

Đoàn kiểm tra chuyên ngành về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh vừa xử phạt 5 triệu đồng đối với quán Cafe Hằng Nga (64 Lê Duẩn - TP Hà Tĩnh) do sử dụng nguyên liệu thực phẩm để chế biến đã quá hạn dùng.

Đoàn kiểm tra chuyên ngành đã phát hiện quán Café Hằng Nga (số 68 - đường Lê Duẩn - TP Hà Tĩnh) sử dụng nhiều nguyên liệu quá hạn sử dụng chế biến đồ uống cho khách hàng. Cụ thể như: sinh tố 4 mùa, nho đen, xoài, dứa, chanh leo do Công ty Liên doanh Orana Việt Nam sản xuất (địa chỉ tại lô 3, đường D4, khu 5, khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh). Đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính 5 triệu đồng và yêu cầu chủ cơ sở tiến hành tiêu hủy trước sự chứng kiến của đoàn.

Nhiều quán café khác trên địa bàn TP Hà Tĩnh cũng phạm lỗi sử dụng nguyên liệu quá đát như Café Trở Lại (đường 26/3), Café Trần Xuân Quỳnh (đường Vũ Quang), Bar cofe (đường Lê Duẩn)… Vì lợi nhuận, không ít chủ kinh doanh đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh việc sử dụng nguyên liệu hết “đát”, theo ghi nhận của PV, hiện trên địa bàn TP Hà Tĩnh còn có không ít quán giải khát sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nguyên liệu dùng để làm sinh tố, hoa quả dầm… phần lớn được các cơ sở mua ở chợ, không có hóa đơn chứng từ nên khó kiểm soát chất lượng và cơ quan chức năng cũng gặp khó trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh tại nhà, dọc vỉa hè… cơ sở vật chất thiếu nên không đảm bảo ATVSTP.

Vi phạm về thủ tục hành chính

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung, trong đó có quán café muốn hoạt động phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ cơ sở đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” do không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có cơ sở kinh doanh lâu năm. Café 83, Café Cao Nguyên (đường Nguyễn Du), Café Moon, Carmen (đường Nguyễn Công Trứ), Café Quê hương (đường Xuân Diệu), Phố Xanh (đường La Sơn Phu Tử), Ý Nga (đường Trần Phú)… đều thuộc “danh sách đen” này.

Khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên phục vụ cũng là những bất cập trong hoạt động kinh doanh giải khát tại TP Hà Tĩnh. Đa phần nhân viên tại các quán giải khát chủ yếu được tuyển theo thời vụ, không ổn định nên các chủ cơ sở cũng không mấy mặn mà với việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Do vậy, thiếu giấy khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ cũng là một trong những vi phạm hành chính phổ biến trong kinh doanh đồ uống hiện nay ở TP Hà Tĩnh mà quán Café Papa2 (đường phan Đình Giót) là một ví dụ.

Theo Phòng Thanh tra, Chi cục ATVSTP tỉnh, từ ngày 21/2 - 3/3, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 33 cơ sở dịch vụ ăn uống và sản xuất, trong đó có 25 quán café. Qua đó, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở với số tiền 54 triệu đồng và các sai phạm phần lớn rơi vào quán café.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Mặc dù thời gian qua, đơn vị đã vào cuộc thanh kiểm tra khá quyết liệt song vẫn gặp không ít khó khăn. Một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều loại hình và không chuyên nên khi kiểm tra chủ cơ sở đi vắng, rất mất thời gian; một số chủ kinh doanh lại trốn tránh, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra; chế tài xử phạt nặng trong khi nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng ảnh hưởng phần nào…”.

Để tồn tại và phát triển, quan trọng là tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các chủ cơ sở ăn uống nói chung, dịch vụ café nói riêng cần lấy chữ tín làm đầu, xây dựng phương thức kinh doanh gắn với trách nhiệm và chữ tâm của người làm nghề. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm, xây dựng hệ thống dịch vụ ngày một tốt hơn.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast