Xâm phạm rừng phòng hộ đê biển, chủ tịch huyện không hay biết

(Baohatinh.vn) - Người dân xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh) kiến nghị việc thi công công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã gây thiệt hại cho rừng đước chắn sóng tuyến đê Hữu Phủ.

Cuối tháng 7 vừa qua, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

Xâm phạm rừng phòng hộ

Ngày 26/7, chúng tôi tìm về xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê để tìm hiểu vấn đề. Phía ngoài đê Hữu Phủ, mấy chiếc máy xúc đang hối hả đào, đắp ao chứa, ao lắng. Dưới thời tiết oi nồng, những thân đước trơ trọi đang rung lên trước tiếng gầm rú của máy móc cơ giới. Chúng đang bị người ta chia tách, thậm chí là chặt hạ để thi công công trình. Và chắc chắn rằng, mai này công trình hoàn thành, rừng đước nơi đây sẽ lụi tàn, trở thành một vết sẹo nhức mắt trên cả triền sông.

xam pham rung phong ho de bien chu tich huyen khong hay biet

Đến khi tạm đình chỉ, những máy móc này đã kịp cày xới 4,7ha đất rừng phòng hộ

Quá trình tìm hiểu, được biết, ngày 8/6, BQL Dự án ODA ngành nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT) triển khai thực hiện Tiểu dự án Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc (sau đây gọi tắt là Tiểu dự án Phúc Lộc), Thạch Khê, huyện Thạch Hà với tồng mức đầu tư 5.474 triệu đồng. Quy mô dự án gồm: ao lắng, ao thải và hệ thống trạm bơm, ông cấp nước… Tổng diện tích thi công gần 6ha, nằm trên bờ sông Phủ, thuộc địa bàn xã Thạch Khê. Công trình nhằm mục đích phục vụ cấp, xả nước cho 12ha diện tích nuôi tôm của các hộ dân phía trong đê Hữu Phủ.

Sau một thời gian thi công, dự án đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các hộ dân địa phương. Nhiều người cho rằng, việc thi công công trình đã gây thiệt hại cho rừng đước, đê chắn sóng, chắn gió bao đời nay của họ. Chưa biết hiệu quả của dự án sẽ như thế nào, nhưng việc tuyến đê Hữu Phủ trơ trọi với sóng nước, nguy cơ bị đe dọa vào mùa lũ là thấy rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Đại (82 tuổi, ở xóm Phúc Lộc) cho biết: “Rừng ngập mặn này có từ lâu đời. Những năm chiến tranh, rừng đã phát triển tốt với những thân đước tốt tươi, vạm vỡ. Tôi còn nhớ, khoảng năm 1967 – 1968, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, có đoàn tàu vận tải 15 chiếc (tàu không số?) bị máy bay địch truy rát đã theo cửa biển vào trú ẩn an toàn.”

Là người trực tiếp tham gia trồng đước qua nhiều thời kỳ, cụ Đào Chắt (88 tuổi, thôn Phúc Lộc) cho biết thêm: “Trồng rừng đã khó, giữ được càng khó hơn. Chúng tôi thay nhau chăm sóc, bảo vệ rừng đước mới được như ngày hôm nay. Thế mà bỗng dưng người ta chặt hạ, xót xa quá. Đây là tuyến đê xung yếu, mặc dù đã được làm bằng bê tông kiên cố nhưng ai dám chắc, nó sẽ chống đỡ nỗi sức mạnh của triều cường. Chỉ có rừng cây mới chắn được gió, phân tán sức mạnh của sóng và quan trọng nhất là, rừng đước còn để điều hòa không khí, tạo môi trường tự nhiên.”

“Cán bộ huyện, xã cũng là dân địa phương, họ phải hiểu tầm quan trọng của rừng ngập mặn, thế mà lại để cho người ta phá đi. Tại sao trước khi triển khai dự án, các cấp, ngành không cho chúng tôi được có ý kiến.” – cụ Chắt bức xúc.

Tiền trảm hậu tấu

Làm việc với phóng viên, chiều 28/7, ông Dương Đình Tiến – Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: Ngày 8/6, chủ đầu tư về làm việc với xã, công bố đơn vị trúng thầu và triển khai thực hiện dự án. Vị trí hồ cấp nước nằm ở ngoài đê, thuộc khu vực rừng ngập mặn. Tuy nhiên, địa điểm triển khai công trình không có nhiều cây đước sinh sống. Xét thấy công trình không gây ảnh hưởng đến tuyến đê Hữu Phủ nên chúng tôi chấp nhận, không có ý kiến gì.

Phải chăng vì quan điểm “không việc gì” nên kể từ khi chủ đầu tư khảo sát, phối hợp, triển khai thực hiện dự án đến nay, UBND xã Thạch Khê chưa hề báo cáo lên UBND huyện Thạch Hà. Cái lý mà ông Tiến đưa ra là: Cứ tưởng rằng, khi công trình được triển khai trên địa bàn, chủ đầu tư phải xin chủ trương của huyện, rồi tỉnh thống nhất, nghĩa là huyện đã biết (nên không phải báo cáo nữa?).

xam pham rung phong ho de bien chu tich huyen khong hay biet

Trạm bơm nước được thiết kế ngay sát chân đê Hữu Phủ

Làm việc với các phòng chuyên môn của UBND huyện Thạch Hà về vấn đề này, phóng viên đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thì ra, dự án này đang được triển khai thực hiện theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu”.

Đến thời điểm phóng viên có mặt (26/7), đơn vị thi công đã đào đắp được khoảng hơn 4,7ha ao lắng giữa rừng đước. Điều đáng nói là, đây là khu vực rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ trong hành lang bảo vệ đê điều của tuyến đê Hữu Phủ, tiểu khu 285, xã Thạch Khê. Thế nhưng, chủ đầu tư chưa hề có kế hoạch sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng của cấp có thẩm quyền theo quy định. Chủ đầu tư cũng chưa có văn bản cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều và sử dụng hành lang an toàn đê điều.

Rõ ràng, việc triển khai thực hiện dự án đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về phân loại đê và hành lang bảo vệ đê đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V. Cần nói thêm rằng, đây là đất rừng phòng hộ, vì vậy việc công trình không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định là một vi phạm hết sức nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên vào sáng ngày 3/8, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà cho rằng: Quá trình khảo sát, lập dự án và triển khai thi công công trình, UBND huyện không nhận được bất kỳ một văn bản báo cáo nào từ chủ đầu tư và các bên liên quan. Gần đây (ngày 27/7), qua nắm bắt tình hình phản ánh của quần chúng nhân dân, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, phát hiện một số sai phạm và đã yêu cầu tạm đình chỉ thi công. Huyện đồng tình với chủ trương, tuy nhiên, quá trình khảo sát, đánh giá và tổ chức triển khai, chủ đầu tư cần phối hợp cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương để đảm bảo tính thống nhất, công khai, phát huy hiệu quả.

Khi phóng viên hỏi về mối tương quan giữa hiệu quả về mặt kinh tế và ảnh hưởng hệ thống đê điều của Tiểu dự án Phúc Lộc, ông Trần Việt Hà cho biết: “Hồ sơ, thuyết minh về mục tiêu, quy mô của dự án chúng tôi không biết nên không thể đánh giá được. Nhưng rõ ràng, đây là rừng ngập mặn, phòng hộ cho tuyến đê Hữu Phủ nên mọi công trình, tác động đến nó cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đáp ứng các yêu cầu về mặt khoa học, pháp lý.”

xam pham rung phong ho de bien chu tich huyen khong hay biet

Rừng phòng hộ đê Hữu Phủ bị đào xới nham nhở

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư, ông Hà Văn Trà – Phó trưởng BQL Dự án ODA cho biết: Quá trình khảo sát thiết kế, xác nhận mặt bằng đều có sự tham gia của UBND xã Thạch Khê và cán bộ chuyên môn huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, không thấy ai có ý kiến về đất phòng hộ, không phải thu hồi, chuyển mục đích nên chúng tôi bỏ qua các quy trình pháp lý. Đến nay mới biết đây là đất, rừng phòng hộ nên đã tạm dừng thi công. Ngày 2/8, Sở NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp cùng với chính quyền địa phương và các phòng chuyên môn bàn phương án tháo gỡ. Theo đó, có 2 phương án được đưa ra là: Tiếp tục thi công theo thiết kế, chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục đúng quy định hoặc điều chỉnh thiết kế, làm tuyến kênh dẫn nước, không xây ao lắng (ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ).

Lời kết

Vậy là đã rõ! Việc triển khai thực hiện Tiểu dự án Phúc Lộc không chỉ gây ảnh hưởng đến rừng ngập mặn, đe dọa những thân đước hiện hữu bao đời nay che sóng to gió lớn cho tuyến đê Hữu Phủ mà còn có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đê điều.

Rồi đây, công trình có tiếp tục được thi công hay không còn tùy vào sự đánh giá, cấp phép của các cấp, ngành liên quan. Đừng gượng ép theo kiểu “trót đã lỡ” để làm sai mục đích, lợi bất cập hại.

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.