Thực hiện Nghị quyết 26: Chính sách tam nông giúp xã nghèo bứt phá

(Baohatinh.vn) - “10 năm thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW và 9 năm thực hiện NQ số 08-NQ/TU, thành công của Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đó là cả hệ thống chính trị vào cuộc đưa những chính sách về phát triển tam nông vào cuộc sống, tạo nguồn lực lớn cho xã nghèo bứt phá” - Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Duẫn khẳng định.

thuc hien nghi quyet 26 chinh sach tam nong giup xa ngheo but pha

Bí thư Chi bộ thôn Trần Phú (người đứng giữa) động viên, kiểm tra khu vườn mẫu do đảng viên Nguyễn Văn Chức tiên phong xây dựng

Ban hành nghị quyết, cụ thể hóa chủ trương

Tạo sức nặng trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nghị quyết (NQ) về phát triển tam nông, đồng thời cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng phù hợp với điều kiện của địa phương, BCH Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010 đã ban hành NQ 09- NQ/ĐU về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. UBND xã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện, đồng thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, thôn xóm triển khai việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng: 4 chương trình, 13 đề án chuyên ngành, 13 quy hoạch và 8 chính sách.

thuc hien nghi quyet 26 chinh sach tam nong giup xa ngheo but pha

Thôn Đình Phùng tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ chính sách, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

Theo Bí thư Đảng ủy xã, ngoài việc vận dụng tối đa các chính sách của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, 8 chính sách mà xã ban hành đều phù hợp với thực tiễn, từ đó đã có vai trò kích cầu rất lớn. Ví dụ như khi thực hiện việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2012, xã hỗ trợ chuyển đổi mỗi 1ha đất trồng lúa kém năng suất sang trồng lạc với số tiền 500 ngàn đồng. Từ đó góp phần tăng diện tích lạc lên gấp đôi so với năm 2008; có 20 hộ sản xuất từ 1 mẫu lạc trở lên cho thu nhập 30 triệu đồng/vụ lạc xuân/hộ.

Chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện được gắn kết với việc xã hỗ trợ thêm các vật liệu, máy móc thi công, động viên người dân huy động nhân lực để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Nhờ đó đến nay 100% các tuyến đường huyện lộ, trục xã, trục thôn với tổng chiều dài hơn 46km ở Cẩm Lạc đã được nhựa hóa, bê tông hóa.

thuc hien nghi quyet 26 chinh sach tam nong giup xa ngheo but pha

Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Cẩm Lạc đã nhựa hóa, bê tông hóa 100% các tuyến đường giao thông.

Hoặc như hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo hướng liên kết với doanh nghiệp, xã vừa tranh thủ tối đa chính sách của tỉnh, huyện đầu tư cho các mô hình lớn, vừa kịp thời ban hành chính sách tiếp sức các mô hình quy mô vừa và nhỏ. Từ đó, đến cuối năm 2017 tổng đàn lợn tăng gấp 58,4 lần so với năm 2008; từ chăn nuôi nhỏ lẻ, Cẩm Lạc đã có 17 cơ sở chăn nuôi, trong đó 14 mô hình liên kết với quy mô 500 con lợn thương phẩm/lứa/3 lứa mỗi năm.

Đưa chính sách đến với người dân

Cùng với đòn bẫy từ chính sách, Cẩm Lạc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, cụ thể, nhất là sự lăn xả, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên để tạo cầu nối đưa chính sách đến với người dân. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc Nguyễn Viết Thuấn cho biết: “Trong quá trình vận hành chính sách, vai trò của các chi bộ thôn xóm đã được phát huy, đặc biệt đảng viên luôn là người đi đầu trong tiếp cận chính sách để xây dựng mô hình và lan tỏa tới người dân”.

Một trong những bí thư chi bộ thôn "máu lửa" theo cách nói của các đồng chí lãnh đạo xã Cẩm Lạc đó là Bí thư Chi bộ thôn Trần Phú - Phan Huy Sỹ. Mấy chục năm làm cán bộ thôn, ông tâm đắc nhất là 2 chính sách hỗ trợ: Cơ giới hóa nông nghiệp và chăn nuôi liên kết quy mô vừa và nhỏ.

thuc hien nghi quyet 26 chinh sach tam nong giup xa ngheo but pha

Động lực từ chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp gia đình anh chị Phan Thị Hương (người đứng ngoài cùng) tích tụ 4 ha ruộng đất

“Chúng tôi đã tranh thủ tối đa chính sách hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thôn có 11 hộ được hỗ trợ tiền ngân sách từ cấp tỉnh đến xã và được vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua máy cày, 1 hộ mua máy gặt đập liên hợp. Kết quả này không chỉ giúp người dân cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch mà còn thúc đẩy một số hộ tích tụ ruộng đất trên địa bàn”- Ông Sỹ khẳng định.

Sự thành công của Cẩm Lạc chính là kết quả của sự kích cầu mạnh mẽ từ hệ thống chính sách, tạo nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu đổi thay diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast