Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại.
Sáng 21/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các mục tiêu đề ra trong đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020” cơ bản đã được hoàn thành, tạo chuyển biến rõ rệt về quy mô, chất lượng đào tạo.
Theo đó, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên; tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.
Nhìn chung, hệ thống trường chuyên đã đảm bảo ổn định với các hình thức: trường chuyên trực thuộc sở GDĐT, trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao; ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; một số trường THPT chuyên có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được đầu tư phát triển đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tỉ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng liên tục tăng lên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo tóm tắt công tác triển khai đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”. Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại.
Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến cơ bản theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới từng bước được cải thiện.
Cùng với đó, sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở đại học có bước phát triển tích cực; nhiều học sinh có năng khiếu nổi bật vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.
Tuy nhiên, việc xây dựng các trường chuyên trọng điểm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai mạnh và chưa đạt được những kết quả rõ rệt. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao.
Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh còn hạn chế; liên kết giữa các trường chuyên và các cơ sở giáo dục có uy tín trong nước và quốc tế chưa nhiều và hiệu quả.
Tại hội nghị, các đia phương, đại biểu đã giành phần lớn thời gian để trao đổi các kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình thực hiện đề án và phương hướng phát triển hệ thống trường chuyên trên địa bàn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, các mục tiêu đề ra trong đề án đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010 - 2020” cơ bản đã được hoàn thành, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, đổi mới của ngành giáo dục nước nhà trong thời gian qua.
Trong giai đoạn mới, Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tiếp tục nhìn nhận đầy đủ, rõ ràng về việc củng cố, phát triển hơn nữa hệ thống trường chuyên trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Đồng thời, các địa phương cũng cần tập trung đầu tư và có bước đi phù hợp cho hệ thống các trường năng khiếu đào tạo về nghệ thuật, thể thao, âm nhạc... trên địa bàn về chi phí, cơ sở vật chất, đội ngũ dạy học.
Cùng với đó, việc củng cố quá trình đào tạo ở các trường chuyên cần lấy mục tiêu phát triển con người làm hàng đầu, kiên quyết tránh tiêu cực trong tuyển sinh với phương châm “học thật, thi thật”. Tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ; chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục của các trường chuyên.
Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh có số lớp từ 24 lớp năm 2010 tăng lên 31 lớp năm 2020, từ 759 học sinh với 7 hệ chuyên tăng lên 961 học sinh với 10 hệ chuyên. 10 năm qua, trường đã có 862 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia (đạt tỷ lệ hơn 80,3%); luôn nằm TOP 10 trường có điểm bình quân thi đại học cao nhất cả nước; hằng năm luôn có học sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30, hoặc thủ khoa toàn quốc các khối thi, nhiều em đạt điểm tuyển sinh đại học từ 27,0 điểm trở lên; các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thường xuyên được bổ sung, tăng cường và đổi mới... |